(HNM) - Không chỉ kiếm tìm các thỏa thuận kinh tế, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác an ninh quốc phòng là trọng tâm ưu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến công du 10 ngày tới một loạt quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) gồm: Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ và thăm trụ sở EU
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Trọng tâm cuộc thảo luận giữa Thủ tướng S.Abe với người đồng cấp nước chủ nhà Angela Merkel trong chặng dừng chân đầu tiên tại Đức không nằm ngoài chủ đề tìm kiếm các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác về chính trị cũng như kinh tế giữa hai nước. Đây là chuyến thăm Đức lần đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản trong gần 5 năm qua. Cùng với tiếng nói chung về cuộc khủng hoảng Ukraine khi kêu gọi Kiev cải cách Hiến pháp và mở cuộc bầu cử tổng thống theo đúng kế hoạch vào ngày 25-5, hai đối tác trong nhóm nước công nghiệp phát triển - G7 đã nhất trí tiến tới một thỏa thuận nhằm tăng cường đối thoại an ninh. Theo đó, hai bên sẽ tổ chức hội nghị quốc phòng và đối ngoại cấp cục trưởng vào cuối năm nay. Là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức tại Châu Á (chỉ sau Trung Quốc), Thủ tướng Merkel bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán giữa EU với Nhật Bản về Hiệp định Tự do thương mại (FTA) có thể hoàn tất trong năm 2015, bởi nó có ý nghĩa quan trọng với cả hai cường quốc xuất khẩu như Nhật Bản và Đức.
Trong chặng dừng chân thứ hai ở Anh, Thủ tướng S.Abe và người đồng cấp David Cameron một lần nữa khẳng định những ưu tiên trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói riêng và giữa Nhật Bản với các quốc gia Châu Âu nói chung. Ngoài nhất trí thúc đẩy hợp tác an ninh song phương, lãnh đạo hai nước còn đồng thuận khởi động các cuộc đàm phán về chia sẻ nguồn cung cũng như dịch vụ vận tải giữa các lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Anh theo thỏa thuận liên dịch vụ mang tên ACSA. Thỏa thuận quy định Nhật Bản và Anh sẽ giúp đỡ nhau trong các sứ mệnh nhân đạo như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hay đối phó với các thảm họa thiên tai lớn. Đặc biệt từ diễn đàn kêu gọi đầu tư nước ngoài tại London, nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc đã bày tỏ quyết tâm cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp của Nhật Bản với mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp của các công ty Anh quốc tại Nhật Bản vào năm 2020…
Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, việc Thủ tướng S.Abe chọn tăng cường an ninh làm trọng tâm ưu tiên trong chuyến thăm các đối tác Châu Âu là không quá khó hiểu. Trước đó, chuyến thăm Nhật Bản vừa kết thúc của Tổng thống Barack Obama với cam kết của Washington bảo vệ đồng minh Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, chuyến công du của ông S.Abe đến Châu Âu đã mở rộng thêm quan hệ an ninh của Nhật Bản. Mới đây, Nhật Bản cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, cho phép quân đội nước này tham gia mua bán vũ khí theo một số điều kiện nhất định được giới quan sát đánh giá sẽ nâng tầm vai trò toàn cầu của Nhật Bản trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải giữa Tokyo với Bắc Kinh có chiều hướng gia tăng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng S.Abe sẽ có bài phát biểu liên quan tới chính sách quốc phòng của Tokyo cũng như những cam kết của Nhật Bản về sứ mệnh chống khủng bố tại Somalia đang hợp tác với NATO tại trụ sở của tổ chức này ở Brussels.
Chuyến công du Châu Âu của Thủ tướng S.Abe diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Nhật Bản đón Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm cấp Nhà nước. Tuy đặt nhiều kỳ vọng, nhưng cả Tokyo lẫn Washington đều không thể đạt được đột phá trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, Nhật Bản và EU đã khởi động vòng đàm phán thứ 5 về FTA. Kinh tế Nhật Bản và 27 thành viên EU chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 40% kim ngạch thương mại thế giới. Nếu FTA giữa EU và Nhật Bản dự kiến được hoàn tất trong năm tới, kim ngạch thương mại hai chiều ước tính có thể tăng thêm 29 tỷ euro (36 tỷ USD), tương đương mức tăng lên tới 50%. Hiệp định khi được ký kết sẽ không chỉ mở đường cho hàng hóa EU vào thị trường Nhật Bản, mà còn giúp nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tăng xuất khẩu để khôi phục nền kinh tế đang lâm vào giảm phát.
Dẫu cho những dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế không mấy lạc quan sau khi Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng lên 8% so với mức 5% hiện nay, chuyến công du Châu Âu của Thủ tướng S.Abe - với một lịch trình dày đặc và nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết - được cho là cơ hội để Nhật Bản tiếp tục khẳng định vị thế tại Lục địa già.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.