(HNMO) - Ngày 26-12, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức Hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đặc biệt, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở đối tượng này đang có xu hướng gia tăng.
Tỷ lệ dùng thuốc lá điện tử ở nhóm 13-15 tuổi là 3,5%
Theo Bộ Y tế, kết quả điều tra mới đây cho thấy, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thanh thiếu niên đã có những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nhóm tuổi 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh, tại nhà giảm từ 47,7% năm 2014 xuống 24,5% trong năm 2022; tại khu vực trong nhà của địa điểm công cộng giảm từ 66,5% xuống 22,2%; tại trường học giảm từ 48,6% xuống 35,7%.
Có được kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, công tác truyền thông về tác hại của các sản phẩm thuốc lá như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đã được tăng cường trong trường học. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha trong cơ sở giáo dục cũng như bán thuốc lá ngoài cổng, cơ quan, đơn vị, trường học.
“Năm 2022, 78,7% học sinh có nhận thức về tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với sức khỏe; 57,5% học sinh được dạy ở trường về tác hại của thuốc lá trong 12 tháng qua”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022. Bên cạnh đó, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng.
Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin. Thậm chí, để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm mới này tại các nước; trong đó có Việt Nam, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đã đưa ra các thông tin gây hiểu nhầm cho người sử dụng qua việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường, giúp cai nghiện thuốc lá điếu…
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ và pha trộn các chất khác vào dung dịch (ma túy, cần sa).
WHO đưa ra khuyến cáo, thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống. Nó có thể gây tác động sớm đối với sức khỏe, hoặc gây bệnh phổi kẽ. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.
Cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường
Để ngăn chặn việc hút thuốc lá ở giới trẻ, PGS.TS Kim Bảo Giang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần quan tâm và xây dựng các chiến lược phòng, chống tác hại của hút thuốc lá điện tử. Đồng thời, tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sức mua. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường không khói thuốc lá, đặc biệt lưu ý những khu vực công cộng mà giới trẻ hay đến như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi, khuôn viên nhà trường…
“Tiếp tục tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá, nhất là tăng cường truyền thông trên mạng xã hội, internet và đổi mới hình ảnh cảnh báo để có tác động mạnh mẽ hơn đến người sử dụng. Mặt khác, thực thi nghiêm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, bán thuốc lá, đặc biệt quản lý trên các kênh mạng xã hội, internet”, PGS.TS Kim Bảo Giang nói.
Đồng quan điểm trên, theo Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, hiện tại, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Chính vì vậy, WHO khuyến cáo nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ. Đồng thời, tăng cường thực thi chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, để giảm thiểu tối đa sự tiếp cận và sử dụng của giới trẻ.
Để giảm tình trạng hút thuốc lá ở thanh thiếu niên nói chung, các đại biểu tham dự hội thảo đều chung quan điểm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Trong đó, về phía gia đình cần giúp trẻ nhận thức được sự cám dỗ của việc hút thuốc lá. Đồng thời, quan tâm, giáo dục, nâng cao nhận thức cho con em mình; quan tâm, quản lý sinh hoạt hằng ngày của con cái về thời gian và các mối quan hệ bạn bè.
Hơn ai hết, cha mẹ phải làm gương cho trẻ. Bởi lẽ trẻ rất dễ hút thuốc nếu cha mẹ cũng sử dụng thuốc lá. Cùng với gia đình, tại các nhà trường cũng cần đẩy mạnh giáo dục kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc lá từ bạn bè hoặc mọi người, tạo thói quen nói không với thuốc lá đối với học sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.