Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường thực thi chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật

Mai Hoa| 03/12/2022 14:04

(HNMO) - Quan tâm bảo đảm chính sách, pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật được thực thi, xây dựng một xã hội không rào cản, tạo cơ hội để người khuyết tật được bình đẳng, sống độc lập và tham gia tích cực vào đời sống xã hội là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế về người khuyết tật 3-12, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Văn Hồi đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi.

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về sự quan tâm bảo đảm chính sách, chăm sóc người khuyết tật ở Việt Nam thời gian qua?

- Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, được thể hiện trong Hiến pháp, Luật Người khuyết tật và các luật chuyên ngành, như: Luật Khám, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Giao thông, Luật Trợ giúp pháp lý...

Năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, khẳng định quan điểm, chủ trương, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, định hướng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền của người khuyết tật.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật… 

- Có thể khẳng định, số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng, thưa ông? 

- Đến nay, đã xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người khuyết tật. Số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là hơn 1,1 triệu người.

Có 63 bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng, 100% bệnh viện trung ương (đa khoa) đều có Khoa Phục hồi chức năng, 95% trạm y tế có phân công cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng và người khuyết tật, tại tuyến xã của hầu hết các địa phương, người khuyết tật nặng được lập sổ theo dõi sức khỏe và người khuyết tật đặc biệt nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 100% người khuyết tật đặc biệt nặng, nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Hiện tại, cả nước đã thành lập được 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Braille trong toàn quốc. Giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cũng được đặc biệt quan tâm.

Bình quân mỗi năm, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50% và có gần 39.000 người khuyết tật được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm. Các chính sách khác, như: Miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui chơi giải trí vẫn được các địa phương thực hiện, với mức miễn giảm từ 25% đến 100% cho người khuyết tật…

- Mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạn chế về hạ tầng cơ sở xã hội, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Vậy, làm thế nào để khắc phục được tình trạng này, thưa ông?

- Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đặc biệt là sẽ tổng kết 10 năm thi hành Luật Người khuyết tật, trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi bổ sung và đề xuất những nội dung liên quan đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm… để phù hợp với thực tiễn, với các quy định được nêu trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Công ước 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật.

Qua đó, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm; phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của người khuyết tật một cách hiệu quả nhất. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương, các cơ sở cách thức triển khai các chính sách liên quan đến vấn đề việc làm và các chế độ chính sách mới liên quan về người khuyết tật; đồng thời, rà soát hệ thống chính sách để bảo đảm mọi người khuyết tật đều được hưởng chính sách trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ về giáo dục…

Hơn nữa, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện một số văn bản, chính sách lớn có liên quan đến người khuyết tật, thực hiện có hiệu quả Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó là khuyến nghị cải tạo hạ tầng thuận tiện cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng; nghiên cứu, sửa đổi chính sách để người khuyết tật, đặc biệt là thanh niên khuyết tật có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội dễ dàng hơn…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường thực thi chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.