Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường sức đề kháng để chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới

Hoàng Lan| 25/12/2022 06:18

(HNMCT) - Việc xuất hiện ngày càng nhiều ngày lễ có nguồn gốc từ phương Tây tại Việt Nam cho thấy xu thế hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, một số biểu hiện biến tướng, sự lệch chuẩn trong nhận thức về những ngày lễ này đã và đang đặt ra yêu cầu không ngừng bồi đắp giá trị văn hóa, hình thành “bộ lọc” nhằm thu nhận tinh hoa văn hóa thế giới, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc truyền thống.

Trẻ em vui sướng khi được ông già Noel tặng quà. Ảnh: Vũ Ngân

Tiếp thu tinh hoa

Bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập, giống như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam cũng không đứng ngoài quy luật tiếp biến văn hóa. Nhiều năm qua, những ngày lễ như Noel, Valentine, Valentine trắng, Ngày của cha, Ngày của mẹ... đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Hóa ra, tiếp biến văn hóa tưởng chừng là một khái niệm to tát, kỳ thực lại rất gần gũi và diễn ra hằng ngày. Gần gũi đến mức, chỉ khi liệt kê chúng ta mới ngỡ ngàng nhận ra những ngày lễ tồn tại bao lâu nay và trở thành nét văn hóa gắn bó với người Việt như Ngày Phật đản, rằm tháng Giêng, rằm Trung thu, Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ... chính là những ngày lễ hình thành do quá trình tiếp biến văn hóa.

Về mặt tích cực, các lễ hội nói trên đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân, góp phần lan tỏa thông điệp về văn hóa. Cụ thể như Tết Nguyên tiêu hay còn gọi là rằm tháng Giêng, một lễ hội cổ truyền ở Trung Quốc nhưng đã được “Việt Nam hóa” thành một nếp văn hóa độc đáo, là dịp để mọi người tìm đến các ngôi chùa, đền, miếu, di tích lịch sử trong những ngày đầu năm với quan niệm “lễ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”...

Đặc biệt, nếu như Tết Nguyên tiêu xưa kia còn được gọi là “Tết Trạng nguyên” để dành cho các Trạng nguyên đến vườn thượng uyển ngắm trăng, làm thơ... thì ở Việt Nam, nội dung này gần đây có sự bổ sung cả về hình thức lẫn nội dung. Rằm tháng Giêng còn là Ngày thơ Việt Nam, một ngày hội lớn của tất cả những người làm thơ, yêu thơ trong cả nước.

Tương tự, xuất hiện tại Việt Nam đã lâu, ngày lễ Giáng sinh giờ đây không chỉ dành cho những người theo đạo Thiên chúa, mà là ngày lễ của tất cả mọi người, là dịp để nhà cửa phố phường trang hoàng lộng lẫy, người dân gặp gỡ, vui chơi, dành thời gian cho nhau, làm điều gì đó đặc biệt hơn mọi ngày. Hay một ngày lễ khác cũng được giới trẻ ưa chuộng là ngày Valentine. Các bạn trẻ tại Việt Nam coi đây là dịp để tôn vinh, chăm sóc tình yêu của mình và những năm gần đây, sự thể hiện tình cảm trong ngày này không chỉ dừng lại ở tình yêu đôi lứa, mà còn dành cho bố mẹ, ông bà, người thân...

Những va đập, biến tướng

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị văn hóa tốt đẹp, trong sự giao thoa giữa hai luồng văn hóa Đông - Tây cũng xuất hiện sự va đập. Nói một cách khác, việc du nhập văn hóa ngoại lai một cách thiếu cẩn trọng là nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện lệch chuẩn trong thực hành lễ hội có nguồn gốc từ phương Tây. Tiêu biểu như cách thể hiện gây phản cảm của giới trẻ khi đóng giả thành những thây ma với băng quấn, máu me đầy người... trong ngày lễ Halloween. Đáng nói là ảnh hưởng của ngày lễ này ngày càng lan rộng.

Vào những ngày cuối tháng 10, có thể dễ dàng nhận thấy tại khắp các tụ điểm vui chơi, nhà hàng, quán bar, siêu thị, công viên, trường học, trường mầm non..., cảnh người người tất bật tổ chức lễ hội hóa trang hưởng ứng ngày lễ này. Cách trang trí gây cảm giác ghê rợn, hình ảnh nghĩa địa, âm binh, quan tài, thần chết, xác sống... nhan nhản tại các tụ điểm giải trí hay trên đường phố. Đáng nói hơn là lễ hội này bị một số nơi lạm dụng, biến thành sinh hoạt vui chơi giải trí dành cho các bé mầm non. Hình ảnh các em bé Việt Nam hóa trang thành ác quỷ, bộ xương, ma bí ngô, phù thủy, đầu lâu... biểu diễn trên sân khấu dưới sự hướng dẫn của các cô giáo và sự cổ vũ của phụ huynh có thể nói là vô cùng phản cảm.

Lý giải về hiện tượng nói trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do “sức đề kháng văn hóa” của người dân chưa tốt nên khi quá trình tiếp biến văn hóa xảy ra, một bộ phận không biết điều gì là phù hợp với phong tục tập quán, lối sống, văn hóa Việt Nam, điều gì cần phải loại bỏ. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp thu văn hóa nước ngoài nhưng lại chỉ tiếp thu hình thức bên ngoài; những gì không thuộc về bản chất được khai thác rất sâu và thể hiện một cách thái quá mà không tìm hiểu những tầng lớp giá trị văn hóa sâu dày của lễ hội ấy. 

Valentine, ngày lễ có nguồn gốc từ phương Tây được nhiều người Việt Nam đón nhận. Ảnh: Nhật Minh

Chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc

Trong xu thế hội nhập về văn hóa, việc tiếp nhận và chịu ảnh hưởng từ bên ngoài là tất yếu bởi văn hóa không bất biến, nó có thể vận động, bổ sung, phát triển để phù hợp hơn với thực tiễn. Chính vì thế, ngay từ rất sớm, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Đảng ta đã xác định một trong sáu đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc tiếp nhận các sinh hoạt lễ hội từ nước ngoài là điều không xa lạ trong quá trình giao lưu văn hóa. Cha ông ta từ xa xưa đã để lại những bài học có giá trị về nghệ thuật tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới. Chẳng hạn như lễ xá tội vong nhân (15-7 âm lịch), một ngày lễ được du nhập từ Ấn Độ rồi chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, nhưng khi về đến Việt Nam, ngày lễ này tuy vẫn mang một vài nét văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc nhưng không một ai bảo đó là lễ hội của người Trung Quốc hay của người Ấn Độ cả. Câu chuyện đó cho chúng ta một niềm tin, rằng văn hóa Việt Nam mang một sức mạnh tiềm tàng, sức mạnh ấy vẫn trường tồn, luôn hiện hữu đủ để sàng lọc, làm giàu thêm văn hóa truyền thống và cuốn trôi đi những gì là không phù hợp với văn hóa dân tộc.

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, điều quan trọng là phải đưa việc thực hành này đi theo đúng quy luật tiếp biến văn hóa, thúc đẩy quá trình này để các hiện tượng văn hóa nước ngoài được "Việt hóa", có tác dụng tích cực đối với sự phát triển đất nước. Chẳng hạn như gần đây, một số nhà trường đã đưa những nội dung gần gũi với học sinh Việt Nam như giới thiệu ẩm thực địa phương, tri ân công ơn cha mẹ, thầy cô, vấn đề an toàn giao thông, chống bạo lực học đường... vào các ngày lễ có nguồn gốc từ phương Tây. Đó chính là cách tích cực để chúng ta phát huy giá trị của lễ hội này phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng các cơ quan quản lý cần có thêm biện pháp nhằm chấn chỉnh biểu hiện lệch lạc trong việc thực hành lễ hội du nhập từ nước ngoài.

Ông Bùi Hoài Sơn khẳng định: “Tôi luôn tin rằng, trải qua thời gian, bằng nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thông qua áp lực và sức mạnh của dư luận xã hội, quá trình tiếp biến văn hóa sẽ dần đi đúng quỹ đạo mong muốn. Khi có “sức đề kháng văn hóa” đủ mạnh, chúng ta sẽ chọn lọc, tiếp thu tốt tinh hoa văn hóa, làm giàu hơn văn hóa dân tộc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường sức đề kháng để chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.