(HNMCT) - Tiếp biến văn hóa là kết quả mang tính tất yếu khi tham gia vào quá trình giao lưu, hội nhập của hầu hết các quốc gia. Trong quá trình đó, như một lẽ tất nhiên, sẽ có sự bổ khuyết, thay đổi do ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác mà sự hình thành và phát triển Lễ hội ánh sáng Diwali tại Trinidad và Tobago là ví dụ điển hình.
Diwali là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Ấn Độ, được tổ chức vào tháng Ashwin (tháng 10) hoặc tháng Kartika (tháng 11) theo lịch của người Hindu. Diwali ra đời với ý nghĩa tượng trưng cho những khởi đầu mới và chiến thắng của cái tốt trước cái xấu, của ánh sáng trước bóng tối. Diwali còn là dịp để người dân Ấn Độ rũ bỏ hiềm khích, cùng hòa vào niềm vui và cầu nguyện thần linh ban phát những điều tốt đẹp. Đối với người Ấn Độ, khi thắp sáng đèn nến bên ngoài cũng là lúc ý thức được thứ “ánh sáng bên trong” chính là bản tính chân thật, trường tồn... của mỗi cá nhân góp phần chiếu sáng, xua tan chướng ngại, đẩy lùi ngu muội, mang lại an vui, hòa bình. Trong dịp lễ, các gia đình thường tụ họp, trang hoàng nhà cửa với nhiều loại đèn chiếu sáng được trang trí trước nhà.
Lễ hội Diwali kéo dài trong 5 ngày, mỗi ngày sẽ có một tên gọi và ý nghĩa khác nhau với nhiều sự kiện. Ngày thứ nhất có tên gọi Dhanatrayodashi (hoặc ngày Dhan Tearas) được xem là ngày của sự thịnh vượng và giàu có. Ngày thứ hai - Naraka Chaturdashi hay Choti Diwali là thời điểm con quỷ Narakasura bị giết chết với ý nghĩa cái tốt chiến thắng cái xấu và ánh sáng chiến thắng bóng tối. Ngày thứ ba - Diwal, ngày của nữ thần Lakshmi Puja - vị thần của những khởi đầu tốt lành. Đây là ngày quan trọng và may mắn nhất trong dịp lễ hội. Ngày thứ 4 - Govardhan Puja (còn gọi là Annakut) - là lúc Krishna đánh bại Indra. Ngày cuối cùng - Bhaiya Duj hoặc Bhau Bee - là dịp gặp gỡ của các anh chị em trong gia đình.
Tùy vào từng vùng ở Ấn Độ mà cách lý giải về nguồn gốc lễ hội ánh sáng Diwali sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, nguồn gốc của lễ hội ánh sáng Diwali xuất phát từ tín ngưỡng về các vị thần. Điển hình như huyền thoại về chiến thắng của thần Krishna trước chúa quỷ Narakasura đã trở thành biểu tượng cho cái thiện thắng cái ác. Hay huyền thoại về Lakshmi, nữ thần của sự thịnh vượng và thần Ganesha, tượng trưng cho trí tuệ, hạnh phúc. Ở một số nơi, Diwali còn được tổ chức để tưởng nhớ đức vua Rama, biểu tượng của đức hạnh và lòng chung thủy trong sử thi Ấn Độ.
Diwali được đưa đến Trinidad và Tobago bởi những người lao động theo đạo Hindu từ năm 1845. Ban đầu, lễ hội được tổ chức tương tự như những gì diễn ra tại Ấn Độ. Người dân sẽ làm sáng nơi mình sống bằng những chiếc đèn đất nung có tên Diya. Đây là một loại đèn thường sử dụng trong các lễ hội của người Ấn Độ. Ngọn lửa được duy trì bằng dầu thực vật. Phố phường được rửa sạch và trang hoàng bởi các thảm hình vẽ nghệ thuật rangoli, sử dụng các vật liệu bột gạo hoặc cát nhuộm màu cùng với bột mỳ và cánh hoa để dâng lên thần thánh với mong ước được hạnh phúc và may mắn. Vào buổi tối, người dân rước hình nộm các vị thần, làm bằng khung tre, bọc giấy màu sặc sỡ đặt lên những chiếc xe do gia súc kéo, được hộ tống bởi nhiều thanh niên trai tráng trong trang phục cổ xưa, tay lăm lăm cung tên nhảy múa, diễn lại tích thần Rama chiến thắng quỷ dữ Ravana.
Tuy nhiên, càng ngày lễ hội Diwali tại Trinidad và Tobago lại xuất hiện thêm những yếu tố mới. Theo thống kê, số người theo đạo Hindu tại quốc đảo vùng Caribe này chỉ chiếm khoảng 18% tổng dân số. Tín đồ đạo Tin lành chiếm 32,1%, Công giáo La Mã chiếm 21,6%. Nền văn hóa và tôn giáo đa dạng khiến nước này có nhiều lễ hội trong suốt năm, đặc biệt là những lễ hội đường phố sôi nổi ngập tràn âm nhạc Soca Parang (có nguồn gốc châu Phi) và Parang (ảnh hưởng từ Venezuela), điệu nhảy limbo cùng các pha múa lửa nổi tiếng. Diwali là lễ hội duy nhất của người Hindu tại quốc gia này. Cũng bởi vậy, theo thời gian, Diwali khó tránh khỏi ảnh hưởng của các lễ hội văn hóa khác. Những năm gần đây, Diwali tại quốc gia này đang có xu hướng trở thành một lễ hội đường phố với nhiều hình thái sôi động. Hình nộm các vị thần được thay thế bởi các diễn viên trong trang phục sinh động. Lễ rước cũng được làm quy mô hơn với nhiều loại nhạc cụ và âm nhạc địa phương.
Ngày nay, đèn để thắp sáng không chỉ là những chiếc Diya mà là đủ các loại đèn điện nhiều màu sắc trên khắp các đường phố, ngõ hẻm. Xe gia súc được thay bằng ô tô tải, có thể tổ chức biểu diễn các tiểu phẩm thần thoại trong lúc diễu hành trên đường phố. Diwali tại Trinidad và Tobago cũng được xem như một lễ hội hóa trang khi thu hút nhiều người dân thuộc tín ngưỡng khác và khách du lịch cùng tham gia. Nhìn chung, nhiều tập quán cổ xưa đã được thay thế bởi các yếu tố hiện đại.
Theo giới nghiên cứu văn hóa, sự đa dạng tín ngưỡng và chủng tộc tại Trinidad và Tobago khiến cho Lễ hội ánh sáng bớt đi nét truyền thống. Tuy nhiên, xu hướng này khó có thể đảo ngược bởi sự va chạm văn hóa. Nói một cách cụ thể, một nền văn hóa phát triển mạnh mẽ sẽ gây ảnh hưởng tới các nền văn hóa nhỏ hơn. Trong trường hợp Trinidad và Tobago, Diwali đã thành công khi trở thành một lễ hội được công nhận và nhiều người biết đến. Điều đó sẽ giúp giảm bớt những nguy cơ khiến một lễ hội quan trọng của người Hindu tại khu vực Caribe bị mai một.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.