(HNM) - Bỏ lại những ưu phiền sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ không như mong muốn, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ Barack Obama cuối tuần qua (ngày 5-11) đã khởi động chuyến công du "dài hơi" nhất (10 ngày) kể từ khi lên cầm quyền, tới khu vực châu Á.
Chuyến công du này được thực hiện chỉ 2 ngày sau khi nước Mỹ kết thúc cuộc bầu cử giữa kỳ. Tới 4 quốc gia Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản, ông B.Obama muốn truyền tải thông điệp về tăng cường sự tiếp cận chiến lược của Washington với châu Á.
Thủ tướng Manmohan Singh đón Tổng thống Mỹ Obama tại sân bay ở New Delhi. (Nguồn: AP) |
Thực tế, lâu nay Mỹ vẫn đang thúc đẩy chiến lược "tái can dự" mạnh mẽ và sâu rộng vào châu Á, khu vực đang trỗi dậy và được chính quyền Obama đánh giá là có vai trò quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của nước Mỹ. Châu Á hiện đang đi đầu trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng và ngày càng khẳng định vai trò trung tâm và có sức hút đối với thế giới. Chính vì vậy, những thỏa thuận kinh tế - thương mại, những thương vụ mua bán vũ khí, chuyển giao công nghệ quốc phòng… sẽ được nỗ lực xúc tiến trong chuyến thăm.
Cùng với lĩnh vực kinh tế, chính quyền Obama cũng muốn sự gắn kết về mặt chính trị với 4 quốc gia trên. Khi sự hợp tác chính trị ổn định, Washington sẽ nhận được sự ủng hộ trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố - một mục tiêu sống còn mà Nhà Trắng đang theo đuổi.
Ấn Độ được Tổng thống B.Obama chọn làm điểm đến đầu tiên trong 4 nước. Dành hẳn 3 ngày (6, 7, 8-11) tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này, ông B.Obama đang thực hiện lời hứa tới thăm Ấn Độ để xóa bỏ ấn tượng của New Dehli rằng chính quyền của ông đánh giá thấp tầm quan trọng của Ấn Độ, đồng thời tái khẳng định với Bắc Kinh rằng Trung Quốc không có gì phải lo ngại trước mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và Mỹ. Quan hệ Mỹ - Ấn sẽ được thắt chặt thêm bên cạnh sự khăng khít hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, thậm chí với Pakistan.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng Giêng năm 2009, ông B.Obama đã nhiều lần cam kết sẽ thăm Indonesia, nơi ông đã trải qua nhiều năm tháng thuở thiếu thời. Tuy nhiên, ông đã hai lần hủy bỏ chương trình đến Indonesia vào phút chót. Vì vậy, trở lại Indonesia lần đầu tiên trong vai trò Tổng thống Mỹ, ông B.Obama muốn bắt tay với thế giới Hồi giáo ngay tại nơi ông đã sống 4 năm thời thơ ấu. Tại quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, Tổng thống Mỹ sẽ đọc bài diễn văn quan trọng về đạo Hồi, trong đó khẳng định tiếp tục thực hiện các cam kết trong bài phát biểu "đầy ấn tượng" tại Cairo năm 2009, như giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq và Afghanistan, thể hiện thiện chí của Washington với thế giới Hồi giáo, tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố. Với việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) và Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), một trong những mục tiêu của Tổng thống B.Obama là củng cố quan hệ với hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Bởi lẽ, dù hai sự kiện này không liên quan tới cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, nhưng việc đảng Dân chủ thất thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới vị thế của Tổng thống B.Obama ở đây. Hơn nữa, theo kế hoạch, trong năm 2011 Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị APEC. Nhân cơ hội này, ông chủ Nhà Trắng sẽ tuyên truyền quan niệm giá trị của Mỹ, với hy vọng sẽ đạt được mục đích can dự vào các hoạt động của khu vực, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước mình tại châu Á tràn đầy triển vọng này.
Sau khi đảng Dân chủ để mất Hạ viện về tay đảng Cộng hòa, Tổng thống B.Obama cần một chiến thắng trong chính sách đối ngoại để lấy lại uy tín và thay đổi bàn cờ chính trị hiện tại. Và châu Á là một khu vực đầy tiềm năng để ông B.Obama đảo ngược thế cờ. Nhưng nếu cứ lấy chính sách đối ngoại làm trọng tâm khi kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi sẽ càng khó khăn hơn cho vị Tổng thống tận tâm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.