Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường quản lý các cửa hàng trái cây an toàn

Thanh Hiền| 25/04/2021 07:16

(HNM) - Nhằm bảo đảm cho người tiêu dùng được sử dụng trái cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn, thành phố Hà Nội đã và đang tăng cường quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây, hướng tới xây dựng thương hiệu trái cây an toàn Thủ đô. Đồng thời, thành phố sẽ công khai danh sách các cửa hàng vi phạm quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khách mua hàng tại cửa hàng trái cây “Luôn tươi sạch” trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) Hoàng Thị Diệu Hồng cho biết, đến nay toàn thành phố có 809 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm... Trong quý I-2021, Sở đã cấp 31 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tiếp nhận 257 bản tự công bố sản phẩm của doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm. Đáng chú ý, trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được trên 40 tuyến phố thí điểm không kinh doanh trái cây trên lòng đường, vỉa hè.

“Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tích cực triển khai các hoạt động kết nối, đưa các sản phẩm trái cây an toàn của các tỉnh vào hệ thống phân phối trên địa bàn; xây dựng hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây cấp mã tài khoản quản trị cho 2.506 cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông - lâm - thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố...”, bà Hoàng Thị Diệu Hồng thông tin thêm.

Thường xuyên mua trái cây tại cửa hàng "Luôn tươi sạch" trên phố Trần Xuân Soạn, chị Nguyễn Diệu Anh (phố Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Cửa hàng đã được ngành chức năng gắn biển nhận diện, nên tôi rất yên tâm về chất lượng an toàn thực phẩm khi mua tại đây".

Giám đốc điều hành hệ thống cửa hàng trái cây "Luôn tươi sạch" Bùi Thế Dũng cho biết, đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn giai đoạn 2020-2025” không chỉ giúp người tiêu dùng Thủ đô yên tâm mua trái cây rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm, mà còn giúp hệ thống cửa hàng đạt doanh thu tăng cao hơn so với thời điểm chưa được gắn biển…

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trong quá trình triển khai đề án, công tác kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc còn không ít khó khăn. Một số hộ kinh doanh trái cây ở các chợ đầu mối không có hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc, dẫn đến các cửa hàng kinh doanh khi mua trái cây tại chợ đầu mối về bán cũng "trắng" hồ sơ.

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố tiếp tục triển khai đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn giai đoạn 2020-2025”. Cụ thể, trong giai đoạn này, thành phố quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây đồng bộ trên 30 quận, huyện, thị xã; phấn đấu 100% cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện để cấp biển nhận diện an toàn. Đồng thời, xóa bỏ điểm kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm và trật tự đô thị.

Riêng trong năm 2021, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây biết và tham gia đề án; công khai thông tin các cửa hàng đã được cấp biển nhận diện và cửa hàng vi phạm quy định để người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn. “Trong trường hợp các cửa hàng này không đáp ứng được yêu cầu thì chúng tôi sẽ thu hồi biển nhận diện. Ngoài ra, Sở tăng cường quản lý, kết nối, hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trái cây an toàn trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ các cơ sở kinh doanh trái cây có nhu cầu tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư trang thiết bị đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Ngoài ra, thành phố phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây; thí điểm theo dõi luồng di chuyển của sản phẩm trái cây và quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây tại các chợ đầu mối; phát triển chợ thương mại điện tử sản phẩm trái cây an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô. Về lâu dài, Hà Nội tiếp tục xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ trái cây an toàn kết hợp khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc… nhằm nâng cao tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu trái cây an toàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý các cửa hàng trái cây an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.