Cùng với việc quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) luôn chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn. Nhờ đó, số vụ vi phạm quy định của pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp giảm mạnh...
Giám sát chặt, xử lý nghiêm vi phạm
Trên địa bàn huyện Thạch Thất có khoảng 300 doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh, chế biến lâm sản. Nguồn gốc lâm sản của các cơ sở này chủ yếu nhập khẩu từ khu vực Nam Mỹ, châu Phi, châu Âu.
Theo Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) Nguyễn Trường Giang, để tăng cường công tác quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, cán bộ kiểm lâm thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm sản của các cơ sở, doanh nghiệp. Hằng năm, trạm tổ chức các đợt tuyên truyền đến chủ doanh nghiệp, hộ gia đình quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh, chế biến lâm sản, như: Quy định về sổ sách nhập - xuất lâm sản, hồ sơ, thủ tục vận chuyển và kê khai lâm sản...
Là chủ cơ sở kinh doanh lâm sản lớn tại Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến lâm sản An Phước Nguyễn Văn Phước cho biết, mỗi năm công ty nhập khẩu khoảng 1.000-1.500m3 gỗ quy tròn các loại, như: Lim, gõ, gụ, sến, dổi... có nguồn gốc từ châu Phi, Nam Mỹ. Mỗi lô hàng khi nhập về Việt Nam, công ty đều phải có đầy đủ hồ sơ: Nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch thực vật, giấy thuê tàu vận chuyển, hợp đồng mua bán, bảng kê khối lượng để trình các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 3.000 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ, trong đó có 258 công ty chuyên nhập khẩu. Bình quân các doanh nghiệp này nhập khẩu về sản xuất, chế biến khoảng 380.000m3/năm. Trong đó, các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản chủ yếu tập trung ở những địa phương có làng nghề phát triển, như: Hữu Bằng, Chàng Sơn, Hương Ngải, Canh Nậu (huyện Thạch Thất); Tuyết Nghĩa, Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai); Vạn Điểm, Văn Tự (huyện Thường Tín); Chuyên Mỹ, Tân Dân (huyện Phú Xuyên); Liên Hà, Liên Trung (huyện Đan Phượng)...
Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Bùi Công Khương thông tin, qua kiểm tra, rà soát của lực lượng kiểm lâm cho thấy, đa số doanh nghiệp nhập khẩu lâm sản trên địa bàn thành phố chấp hành tốt quy định của pháp luật về hồ sơ nguồn gốc lâm sản. Chỉ một số cơ sở kinh doanh, chế biến vi phạm thủ tục hành chính trong việc vận chuyển, mua bán sản phẩm lâm sản đã chế biến. Cụ thể, hằng năm, lực lượng kiểm lâm Hà Nội phát hiện, xử lý một số đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép từ các tỉnh lân cận về Hà Nội tiêu thụ hoặc vận chuyển qua địa bàn Hà Nội.
Điển hình, trong 8 tháng của năm 2023, lực lượng kiểm lâm Hà Nội phát hiện 15 vụ vi phạm về lâm nghiệp, tịch thu hơn 5,8m3 gỗ thông thường quy tròn, gần 1,6m3 gỗ quý hiếm và nhiều sản phẩm đồ gỗ không có giấy tờ hợp pháp...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm, để hạn chế vi phạm, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn thành phố, Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa bàn phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý lâm sản.
Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn thành phố. Trong đó, nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành Luật Lâm nghiệp của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; rà soát hồ sơ và truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định. Cùng với đó, Chi cục chỉ đạo hạt kiểm lâm địa bàn tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất những quy định mới của Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội về hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản.
Đặc biệt, thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tiếp tục khuyến khích các cơ sở đẩy mạnh đầu tư máy móc, thiết bị chế biến lâm sản, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ tay nghề để sản xuất mặt hàng sản phẩm gỗ chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, Chi cục cũng đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 13-4-2020 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản trên địa bàn thành phố Hà Nội; triển khai Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản…
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường quản lý của lực lượng kiểm lâm, nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội không có “điểm nóng” về chặt phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm mạnh.
Qua đó, thực hiện tốt các mục tiêu của ngành lâm nghiệp Hà Nội trong đó có việc bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có; phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu tác hại do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào mở rộng diện tích và khối lượng sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp; tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên; nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho phép kết hợp khai thác các giá trị kinh tế của rùng để góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có rừng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.