(HNMO) - Ngày 16-9, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức hội thảo "Góp ý cho dự thảo của Thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng tại Việt Nam".
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, nước ta hiện có khoảng 4,4 triệu ha rừng trồng. Hằng năm, diện tích này cung cấp khoảng 30 triệu m3 gỗ quy tròn cung cấp gỗ đầu vào cho các doanh nghiệp trong ngành, bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, sử dụng gỗ rừng trồng làm đồ gỗ nội địa, xuất khẩu gỗ dăm, viên nén và ván ép, ván bóc.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa, mục tiêu hàng đầu của thông tư mới là tạo sự thông thoáng cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Bên cạnh đó, Thông tư mới cần bảo đảm hài hòa với các quy định của quốc tế.
"Dự thảo Thông tư mới gồm 7 chương 40 điều và 3 phụ lục, trọng tâm là quản lý sản phẩm gỗ khai thác theo chuỗi. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT, ngành lâm nghiệp chủ trương quản lý chặt gỗ rừng tự nhiên, gỗ nhập khẩu, đồng thời, khuyến khích xây dựng thương hiệu để truy xuất, quản lý gỗ bền vững", ông Nghĩa cho biết.
Thông tư mới có đưa ra quy định, thực vật rừng ngoài gỗ sẽ không bao gồm củi. Việc đo tính củi nếu đủ quy cách thì đo đếm như gỗ, bằng không sẽ đo theo đơn vị ste để đổi ra m3. Việc xác định khối lượng cây thân gỗ phải được tính khi còn cả gốc, rễ, thân, cành lá. Thông tư cũng sẽ phân chia cụ thể các quy định dựa trên 3 loại rừng hiện nay gồm: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, thay vì chia thành rừng trồng và rừng tự nhiên như trước.
Các loại gỗ có nguy cơ rủi ro cũng được chỉ rõ là: Gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, gỗ nhập khẩu không thuộc vùng địa lý tích cực hoặc gỗ thuộc loại rủi ro theo quy định của Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và Phụ lục CITES khai thác từ tự nhiên...
Theo TS Tô Xuân Phúc, Cố vấn Forest Trend, trong xác minh nguồn gốc gỗ, chính quyền địa phương cần xác nhận tính hợp pháp của chủ hộ dựa trên các diện tích đất trồng trong ngắn hạn.
Trong dài hạn, cơ quan quản lý cần thực hiện cấp sổ, điều chỉnh sai sót giữa sổ và thực địa; hợp pháp hóa những diện tích canh tác lâu năm. Bên cạnh đó, cần giảm thuế đối với các hộ sản xuất gỗ nhỏ lẻ, hoạt động phi chính thức có doanh thu thấp hơn 1 tỷ đồng/năm, nhằm tạo động lực sản xuất cho người dân...
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học kỳ vọng, Thông tư mới sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường tính minh bạch trong xác minh nguồn gốc lâm sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.