Nông nghiệp - Nông thôn

Làm gì để ngành gỗ và lâm sản xuất khẩu cán đích 18 tỷ USD năm 2023?

Đỗ Minh 28/07/2023 - 13:54

Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu lâm sản đạt trên 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Với giá trị trên, xuất khẩu lâm sản đạt 36% so với kế hoạch đặt ra. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 5,96 tỷ USD, giảm 29%; lâm sản ngoài gỗ 455,7 triệu USD, giảm 26,2%.

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) từ đầu năm đến nay, khai thác rừng trồng tập trung cả nước đạt 8,806 triệu mét khối, tương đương 40% kế hoạch năm 2023, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Cục Lâm nghiệp đã cấp chứng chỉ rừng cho khoảng 29.500ha (đạt 29,5% kế hoạch năm 2023) và 30.000ha đã đánh giá xong, chờ cấp chứng chỉ, nâng tổng số diện tích rừng có chứng chỉ lên 438,5ha tại 32 tỉnh trong cả nước.

Bên cạnh đó, ngành Lâm nghiệp đã chuẩn bị được khoảng 600 triệu cây giống các loại phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2023. Trong đó, diện tích rừng trồng mới tập trung nửa đầu năm 2023, đạt khoảng 124.000ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; chăm sóc rừng trồng đạt 384.700ha, tăng 1,2%; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 108.679ha, tăng 11,7%; trồng cây phân tán khoảng 45,9 triệu cây, tăng trên 5%.

Đặc biệt, chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được ngành triển khai hiệu quả, góp phần bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người dân, các đơn vị tham gia bảo vệ rừng. Trong 6 tháng, cả nước đã thu được 1.416,16 tỷ đồng, đạt 42,8% kế hoạch thu năm 2023 và bằng 94,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với vấn đề xuất khẩu lâm sản, Cục Lâm nghiệp cho hay, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, xung đột chính trị khiến thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm mạnh.

Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu lâm sản đạt trên 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Với giá trị trên, xuất khẩu lâm sản đạt 36% so với kế hoạch đặt ra. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 5,96 tỷ USD, giảm 29%; lâm sản ngoài gỗ 455,7 triệu USD, giảm 26,2%.

dn-go-thach-that.jpg
Doanh nghiệp sản xuất gỗ tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) đầu tư máy móc, sản xuất đa dạng các sản phẩm đồ gỗ phục vụ xuất khẩu.

Bà Cao Thị Cẩm, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, mặc dù xuất khẩu gỗ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023 nhưng vẫn có nhóm hàng tăng trưởng, như mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt gần 32 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, với sản phẩm dăm gỗ, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản và gỗ đạt 18 tỷ USD như kế hoạch đề ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần tìm hướng đi riêng biệt, đổi mới mẫu mã sản phẩm, tăng cường sản phẩm đồ gỗ theo nhu cầu thị trường, đồng thời phát triển thị trường ngách để duy trì tăng trưởng.

Về phía ngành Lâm nghiệp, Cục Lâm nghiệp cho biết, tiếp tục rà soát và tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại ngành Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, ngành Lâm nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro.

Đặc biệt là bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu, bảo đảm mục tiêu đề ra năm 2023; tiếp tục phối hợp các đơn vị, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để ngành gỗ và lâm sản xuất khẩu cán đích 18 tỷ USD năm 2023?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.