An toàn thực phẩm

Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm

Xuân Lộc 03/10/2023 - 07:10

Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…

Qua đó, lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.

attp.jpg
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra khu vực bếp của một khách sạn trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Thu Trang

Đình chỉ 65 cơ sở trong 8 tháng

Theo báo cáo của Sở Y tế, trên địa bàn Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong 8 tháng của năm 2023, toàn thành phố thành lập hơn 800 đoàn thanh tra, kiểm tra.

Kết quả, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm là 71.557 cơ sở, trong đó có 62.397 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 87,2%) và phát hiện 9.157 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt 5.954 cơ sở với số tiền hơn 18,2 tỷ đồng; đồng thời đình chỉ 65 cơ sở và tiêu hủy 124 loại sản phẩm vi phạm của 658 cơ sở.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm; khu vực bếp có côn trùng, động vật gây hại; ghi nhãn sản phẩm không đúng; tiêu thụ sản phẩm thuộc diện phải được sản xuất tại cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà không thực hiện theo quy định; sử dụng người lao động trực tiếp kinh doanh, tiếp xúc với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định…

Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở tại chỗ 2.480 cơ sở có những lỗi tồn tại như nhân viên đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức khi chế biến thực phẩm…

Đánh giá các kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm từ đầu năm đến nay, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, công tác an toàn thực phẩm được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Cùng với đó, UBND các cấp ban hành và triển khai kịp thời, bài bản, đúng quy định các văn bản chỉ đạo về an toàn thực phẩm. Các hoạt động an toàn thực phẩm, như: Tăng cường quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, triển khai các chuyên đề trọng tâm an toàn thực phẩm… cũng được triển khai sớm ngay từ đầu năm.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, các cơ quan liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm. Đồng thời, cơ quan chức năng của thành phố đã duy trì phối hợp với các tỉnh lân cận trong việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội. Hơn nữa, trong quá trình thanh tra, kiểm tra còn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo đài của thành phố khi nêu tên các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để tăng hiệu quả tuyên truyền.

“Các kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian qua đã góp phần giúp thành phố thực hiện tốt các chương trình, đề án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm. Đơn cử như việc xây dựng mô hình an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh hưởng ứng năm trật tự văn minh đô thị bước đầu đạt kết quả tốt. Thêm vào đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố cũng đã được đẩy mạnh…”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.

Triển khai đồng bộ các biện pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Sở Y tế Hà Nội dẫn chứng, do có quy định cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (hộ kinh doanh) không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nên có nhiều doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn chuyển thành loại hình hộ kinh doanh. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất giúp họ “né” được việc không phải xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và điều này đã gây khó khăn trong công tác quản lý.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, nhân lực triển khai tại quận, huyện, thị xã được phân công theo dõi về chất lượng, an toàn thực phẩm đa số đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác. Mặt khác, việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh nhưng kết quả còn hạn chế. Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn diễn ra…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, ông Vũ Cao Cương cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở Y tế sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và tiến hành kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.