(HNM) - Cứ mỗi dịp hè đến, số vụ đuối nước lại gia tăng, trong đó hầu hết nạn nhân là trẻ em ở độ tuổi học sinh. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phổ cập bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội đồng loạt tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí, huy động mọi nguồn lực để xây dựng mô hình bể bơi cộng đồng… hướng đến mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ em.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm Trần Trung Tuyển:
Học sinh chưa biết bơi được tham gia các lớp dạy bơi miễn phí
Thực hiện Kế hoạch số 282/KH-SVHTT ngày 10-4-2023 của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội về việc tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước và mở lớp dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn, ngay từ đầu tháng 5, liên ngành Phòng Giáo dục - Đào tạo, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp xây dựng kế hoạch mở lớp phổ cập bơi cho trẻ em.
Theo kế hoạch, các em học sinh nếu chưa biết bơi đều được tham gia các lớp dạy bơi miễn phí. Nguồn kinh phí tổ chức các lớp dạy được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp và huy động từ nguồn lực xã hội. Dự kiến, lớp dạy bơi miễn phí được tổ chức từ ngày 15-7 đến ngày 24-7-2023 cho khoảng 150 em học sinh trong lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Trong 20 buổi dạy, các em sẽ được tập huấn về kỹ thuật bơi ếch; được tuyên truyền, giảng dạy về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước…
Chương trình không chỉ hướng đến mục tiêu phổ cập môn bơi, mà còn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống tai nạn sông nước, đồng thời, vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật.
Bà Hoàng Thị Quyên, tổ 6 đường Thanh Lãm, phường Phú Lãm, quận Hà Đông:
Nên liên kết với cơ sở có bể bơi đạt tiêu chuẩn để tổ chức dạy bơi
Điểm đặc biệt của hè năm nay, đó là việc các bộ, ngành, thành phố đều đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tập luyện bộ môn bơi lội và khuyến khích trẻ em tham gia để phòng, chống tai nạn đuối nước.
Theo tôi, trong điều kiện chưa thể xây dựng các bể bơi ngay trong trường và đưa bộ môn bơi lội vào môn học chính khóa, các trường vẫn có thể liên kết với cơ sở có bể bơi đạt tiêu chuẩn để tổ chức lớp dạy bơi cho học sinh trên tinh thần tự nguyện. Mặt khác, trong mỗi gia đình, các phụ huynh cần nêu cao tinh thần gương mẫu, tích cực tập luyện thể dục, thể thao, đặc biệt là bộ môn bơi, để trở thành những “tuyên truyền viên” tích cực vận động người thân, con em mình tham gia tập luyện, trang bị kiến thức, kỹ năng bơi phòng, chống đuối nước.
Về phía địa phương, khi tổ chức các lớp sinh hoạt hè cho thiếu niên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, biện pháp phòng tránh và cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc tai nạn đuối nước xảy ra.
Trưởng thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) Bùi Thị Duyên:
Cải tạo ao làng thành “bể bơi“
Thôn Hưng Giáo có 536 hộ gia đình với 1.723 nhân khẩu, trong đó số trẻ trong độ tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở khá đông. Lứa tuổi học sinh thường hiếu động, ham vui, cứ trời nắng nóng là lại thích rủ nhau đi tắm sông, tắm hồ… dù nhiều cháu không biết bơi hoặc do thể lực yếu, không có kỹ năng xử lý tình huống cứu đuối. Chính vì điều đó, chính quyền địa phương và người dân chúng tôi luôn trăn trở câu hỏi: Phải làm gì để vừa đáp ứng nơi vui chơi, giải trí cho người dân, nhất là trẻ em, vừa góp phần làm đẹp cảnh quan của thôn.
Sau nhiều năm ấp ủ, chúng tôi bàn nhau phải quyết tâm cải tạo khu ao làng thành một “bể bơi” để vừa làm nơi vui chơi giải trí của cả thôn, vừa giúp con em trong thôn tập bơi, phòng tránh đuối nước, nâng cao sức khỏe trong dịp hè, góp phần làm đẹp cảnh quan làng xóm.
Ngay khi lên ý tưởng, chúng tôi được người dân nhiệt tình ủng hộ góp tiền, góp sức. Và “bể bơi” với diện tích 1.100m2, tổng kinh phí hoàn thiện 1,3 tỷ đồng hoàn toàn từ nguồn hỗ trợ của người dân đã được hoàn thành và đi vào sử dụng đúng vào dịp 30-4-2023. Đến nay, mỗi ngày khu “bể bơi” đón khoảng 300 người từ khắp nơi trong huyện đến bơi lội, tắm mát. Rất nhiều trẻ em, người lớn đã biết bơi và rèn được kỹ năng phòng, chống đuối nước, xử lý cứu đuối tại đây.
Việc cải tạo ao làng thành “bể bơi” miễn phí không chỉ tạo sân chơi bổ ích mà còn là môi trường rèn luyện, nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ. Chúng tôi đang tiếp tục huy động sự đóng góp của người dân để lát gạch toàn bộ phần đáy bể và xây thêm nhà để xe, bãi cát vui chơi cho trẻ em, nhà vệ sinh, phòng thay đồ…
Bà Trần Thu Hiền, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh:
Tỷ lệ trẻ được dạy bơi miễn phí còn quá ít so với nhu cầu
Cứ mỗi dịp hè, số vụ tử vong do đuối nước ở trẻ em lại tăng cao khiến các phụ huynh như tôi vô cùng lo lắng. Ở thành phố “đất chật, người đông” như Hà Nội, tình trạng thiếu sân chơi, bể bơi, bãi tắm an toàn cho trẻ… vẫn là bài toán khó, chưa có lời giải.
Hầu hết các vụ đuối nước gây tử vong ở trẻ em đều có nguyên nhân từ sự chủ quan của người lớn. Trong khi trẻ em vốn rất thích nước, thích bơi lội, nhất là những ngày hè nắng nóng. Nhiều em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng thể lực còn yếu, không có kỹ năng bảo đảm an toàn, xử lý tình huống; cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng không biết bơi, không có kỹ năng cứu đuối hoặc sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước…
Những năm gần đây, được sự quan tâm của thành phố, chính quyền địa phương tổ chức nhiều chương trình dạy bơi cả có phí và miễn phí cho trẻ em trong dịp hè, nhưng do nguồn kinh phí còn hạn chế, tỷ lệ trẻ được dạy bơi miễn phí còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Địa điểm dạy bơi thường chỉ cố định ở trung tâm văn hóa thể thao quận hoặc một bể bơi nào đó nên những gia đình ở xa không có điều kiện về thời gian, kinh phí để cho con tham gia. Do đó, việc phổ cập bơi an toàn cho trẻ vẫn chủ yếu dựa vào ý thức trách nhiệm, sự tự giác và điều kiện của mỗi gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.