(HNM) - Năm học 2014-2015 có ý nghĩa quyết định tới việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2010-2015, bám sát chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Bộ GD-ĐT, giáo dục Hà Nội tiếp tục khắc phục khó khăn, thúc đẩy tiềm năng nhằm tạo chuyển biến toàn diện.
Tăng cường các điều kiện dạy học
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Trong năm học qua, với tinh thần chủ động tích cực, ngành GD-ĐT đã tham mưu với lãnh đạo thành phố nhằm tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. Mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất các nhà trường ngày càng được mở rộng theo hướng hiện đại và đạt chuẩn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, bảo đảm chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Đây là nền tảng cơ bản để giáo dục Thủ đô tiếp tục gặt hái kết quả toàn diện, xứng đáng với phần thưởng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu mà Bộ GD-ĐT trao tặng.
Việc kiên cố hóa, hiện đại hóa trường lớp và cải tạo, xây dựng trường chuẩn quốc gia được coi là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng là chặng áp chót của kế hoạch 5 năm 2010-2015 theo Nghị quyết HĐND thành phố với mục tiêu có 50-55% số trường đạt chuẩn. Số trường chuẩn quốc gia năm 2014 được công nhận là 119 trường, vượt kế hoạch giao 19%, nâng tổng số trường đạt chuẩn của Hà Nội lên hơn 1 nghìn trường. Không chỉ tập trung đầu tư xây dựng trường mới đạt chuẩn, Hà Nội còn quan tâm cải tạo, công nhận lại hơn 200 trường đạt chuẩn từ năm 2008 trở về trước. Hơn 6.500 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp ở địa bàn khó khăn được xây mới với kinh phí 2 nghìn tỷ đồng. Năm học 2014-2015 cũng là năm học đầu tiên Hà Nội thí điểm xây dựng mô hình trường dịch vụ chất lượng cao theo 5 tiêu chí do UBND thành phố ban hành. Đã có 13 trường công lập áp dụng mô hình này, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô.
Đây cũng là năm học Hà Nội tập trung nguồn lực chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Kinh phí dành cho việc bồi dưỡng năng lực của đội ngũ giáo viên tăng, việc quy hoạch phát triển đội ngũ, các chế độ chính sách cho nhà giáo và cán bộ quản lý tiếp tục được quan tâm. Toàn ngành có gần 130 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% giáo viên đứng lớp ở các cấp học, bậc học đều đạt chuẩn.
Hà Nội có 2.574 cơ sở giáo dục với hơn 1,6 triệu HS các cấp học. Trong đó, cấp tiểu học có quy mô lớn nhất với 580 nghìn HS, tiếp đến là cấp học mầm non - 500 nghìn trẻ, THCS - 355 nghìn HS, THPT - 190 nghìn HS... |
Tạo chuyển biến toàn diện
Sự đầu tư thiết thực đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục ở các cấp học, bậc học. Sau 5 năm thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non giai đoạn 2010-2015 của thành phố với kinh phí hơn 3 nghìn tỷ đồng, giáo dục mầm non đã được cải thiện về quy mô, điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. 500 nghìn trẻ được huy động ra lớp, đạt 35% số trẻ nhà trẻ và 99% trẻ mẫu giáo. Dấu ấn quan trọng là khắc phục được tình trạng "trắng" trường mầm non công lập tại 6 phường của quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Giáo dục tiểu học tiếp tục có chuyển biến, đáng chú ý là việc ưu tiên triển khai các hoạt động giáo dục với HS lớp 1 nhằm tạo nền tảng vững chắc về chất lượng cho các khối lớp sau. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; 97% số đơn vị cấp xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.
Năm học 2014-2015 ghi nhận nhiều thành tích nổi bật của giáo dục phổ thông, trong đó, tỷ lệ HS xếp loại văn hóa khá, giỏi và hạnh kiểm khá, tốt đều tăng hơn năm học trước từ 3 đến 4%. Hà Nội vẫn giữ vị thế dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng giải tại kỳ thi HS giỏi quốc gia với 140 giải. Tại các kỳ thi quốc tế, giáo dục Hà Nội đã có một năm bội thu khi giành 15 huy chương, trong đó có 8 HCV, 7 HCB. Công tác tuyển sinh và tổ chức các kỳ thi ổn định, đạt mục tiêu đề ra, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của xã hội.
Quy mô của các trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm qua không ngừng mở rộng, thu hút 700 nghìn học viên theo học ở các loại hình, tăng gần 51 nghìn học viên so với năm học trước; có hơn 2 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề, tạo nền tảng cho việc xây dựng xã hội học tập ở Thủ đô. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song năm học 2014-2015 đã ghi nhận sự cố gắng của ngành học này khi quy mô tuyển sinh đạt gần 26 nghìn em, tăng 4 nghìn em so với năm học trước. Các nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra và đang thí điểm mô hình đào tạo chất lượng cao, đóng góp cho Thủ đô lực lượng lao động có văn hóa, kỹ thuật cao.
Những kết quả trong năm qua của ngành đã góp phần khẳng định vị thế dẫn đầu toàn quốc về các chỉ tiêu GD-ĐT, tạo nền tảng quan trọng cho giáo dục Thủ đô trong lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.