Giáo dục

Giáo dục Thủ đô chuyển biến cả lượng và chất

Thống Nhất 31/07/2023 07:40

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội (khóa XII) về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô có nhiều chuyển biến mạnh cả về lượng và chất. Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường đầu tư, chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện. Khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường ở địa bàn thuận lợi và nơi khó khăn đang dần thu hẹp...

giao-duc.jpg
Một giờ học môn tin học của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Nhật Nam

Mạng lưới trường học đáp ứng nhu cầu

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, mạng lưới trường lớp trên địa bàn thành phố Hà Nội được mở rộng và không ngừng phát triển. Năm học 2022-2023, toàn thành phố có hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với gần 2,2 triệu học sinh, gần 123.000 giáo viên. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, điều mà người dân Thủ đô dễ nhận thấy nhất là diện mạo các nhà trường có sự thay đổi rõ rệt. So với năm 2008, ngành Giáo dục Hà Nội tăng 537 trường và hơn 28.000 phòng học. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ở các cấp học đều tăng. Năm học 2022-2023, toàn thành phố có 100% nhóm lớp mầm non học 2 buổi/ngày và ăn bán trú; tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học đạt 96,8%, cấp trung học đạt 32,8%; so với năm học 2008-2009 lần lượt là 89,6-80% và 21,3%.

Hà Nội còn có nhiều cơ chế, chính sách phát triển đa dạng loại hình trường học. Học sinh có thể chọn học trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài, trường nghề... “Năm nay con tôi vào lớp 9, lực học ở mức trung bình khá nên tôi xác định phương án nếu không đủ điểm trúng tuyển lớp 10 trường công lập thì sẽ đăng ký dự tuyển vào trường tư thục. Hiện trên địa bàn thành phố có khá nhiều trường tư thục uy tín, chất lượng ổn định nên việc theo học loại hình trường nào với gia đình tôi không phải là vấn đề lớn. Điều quan trọng nhất là con có được một môi trường sư phạm thân thiện, an toàn và phù hợp với năng lực, giúp con phát huy sở trường”, bà Trần Thị Thanh Hoa, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) chia sẻ.

Không chỉ bảo đảm đủ chỗ học, Hà Nội còn tập trung nguồn lực để xây dựng trường lớp đáp ứng các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô. Chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia được đưa vào nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, có sự chung sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và sự đồng hành của nhân dân.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt mức 80-85%. Tính đến tháng 7-2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố là 72,5%. Ngày càng có nhiều học sinh được học trong những ngôi trường khang trang, hiện đại, đạt chuẩn về mọi mặt.

Rút ngắn khoảng cách ngoại thành và nội thành

Chuyển biến rõ nhất trong những năm gần đây là khoảng cách về điều kiện dạy học, chất lượng giáo dục giữa các trường ở khu vực ngoại thành và nội thành ngày càng được thu hẹp. Với chủ trương coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong bất kỳ thời điểm nào, thành phố Hà Nội luôn ưu tiên dành nguồn lực để hỗ trợ nhiều nhất cho các huyện còn khó khăn, trong đó có Ba Vì - đơn vị có nhiều xã miền núi, tỷ lệ học sinh người dân tộc cao. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, toàn huyện hiện có 120 trường học với hơn 76.000 học sinh. Bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, chỉ tính từ năm 2013 đến nay, huyện đã xây dựng mới, nâng cấp 236 dự án trường học với tổng kinh phí hơn 3.800 tỷ đồng; dành 24,8 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới... Nhờ đó, chất lượng giáo dục của Ba Vì đã tăng 4 bậc, từ vị trí thứ 17/30 vào năm học 2020-2021 lên thứ 13 vào năm học 2021-2022...

Không chỉ Ba Vì, các địa phương khác đều được thành phố ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo. Thành quả là trong tốp những trường có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất thành phố hằng năm có sự xuất hiện ngày càng nhiều trường ở huyện. Trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, trong tốp các trường điểm cao môn vật lý có Trường Trung học phổ thông Quốc Oai (điểm trung bình đạt 7,43). Có tới 3 trường ở huyện lọt tốp 10 trường có điểm trung bình cao nhất ở môn hóa học; môn giáo dục công dân cũng có 3 trường ở huyện trong tổng số 12 trường của Hà Nội có điểm trung bình cao nhất...

Sự tiến bộ của các trường ở vùng ngoại thành đã góp phần tạo nên sức bật chung của toàn thành phố về chất lượng giáo dục toàn diện trong 15 năm qua. Hà Nội luôn nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh khá, giỏi và tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt; được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, trong khi năm học 2008-2009 tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đi học mới đạt 91,03%.

Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cũng có chuyển biến rõ. Nếu như năm học 2008-2009 toàn thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 91,87%, tới năm học 2022-2023 đạt 99,56% (tăng 7,67%). Nhiều năm liên tục, học sinh Hà Nội giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Năm học 2022-2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước trong kỳ thi quốc gia với 141 học sinh đạt giải.

Những kết quả đạt được là nền tảng vững chắc để ngành Giáo dục Thủ đô thêm tin tưởng, quyết tâm nỗ lực gặt hái nhiều thành quả hơn nữa trên chặng đường tiếp theo...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục Thủ đô chuyển biến cả lượng và chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.