(HNM) - Tết Trung thu đang đến gần. Đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến. Kéo theo đó, nguy cơ các sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn ra thị trường là rất cao. Do đó, các cơ quan chức năng của Hà Nội đang siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra thị trường bánh trung thu với mục tiêu không để “vàng thau lẫn lộn”.
Chấn chỉnh từ lỗi nhỏ nhất
Thời điểm này, 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2019 của thành phố Hà Nội đang tăng cường kiểm tra chất lượng mặt hàng bánh trung thu. Công tác kiểm tra không chỉ tập trung vào các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công theo quy mô hộ gia đình, các làng nghề truyền thống, mà còn được tăng cường tại các công ty, khách sạn, doanh nghiệp… có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường.
Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Tết Trung thu do Sở Y tế Hà Nội phụ trách đã kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương II (ở 223 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Nếu như năm 2015, cơ sở này đã bị tạm đình chỉ hoạt động sản xuất do không bảo đảm các thủ tục pháp lý, vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm thì năm nay, qua kiểm tra, cơ sở đã chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Cơ sở đã trang bị thùng đựng nguyên liệu bằng inox, bố trí khu vực nhà xưởng thoáng mát, trang bị đầy đủ hệ thống chống côn trùng… Đây cũng là một trong 14 cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu được quận Tây Hồ tăng cường kiểm tra thời gian qua.
Ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, do có sự tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm của các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, phường nên ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu đã được nâng lên. Muốn tham gia sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, cơ sở không những phải đáp ứng đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn bắt buộc tuân thủ điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phải được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, được kiểm tra sức khỏe đầy đủ. Ngoài ra, các sản phẩm bánh thành phẩm khi lưu thông trên thị trường phải có đầy đủ nhãn mác, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ… “Khi phát hiện cơ sở không chấp hành đầy đủ các quy định nêu trên, chúng tôi sẽ yêu cầu dừng hoạt động”, ông Phạm Xuân Tài nói.
Trước những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp buộc phải nghiêm túc chấp hành bởi chỉ cần người làm bánh không dùng găng tay, rửa dụng cụ không sạch, bảo quản nguyên liệu không đúng cách… là nguy cơ mất an toàn thực phẩm có thể xảy ra.
Mới đây, qua kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh ngọt Mesa bakery (ở địa chỉ 142 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố đã phát hiện trong kho chứa nguyên liệu chật hẹp, những bao bột làm bánh để sát tường. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở khắc phục ngay tồn tại này.
Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp
Liên tiếp những tuần qua, lực lượng chức năng của Hà Nội đã thu giữ hàng chục nghìn bánh trung thu trứng chảy mang nhãn mác Trung Quốc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Giá bán ra thị trường loại bánh này dao động từ 150.000 đến 250.000 đồng/hộp (6 bánh) nhưng giá nhập chỉ rẻ bằng 1/3 giá đăng bán.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cảnh báo, các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ muốn kinh doanh sản phẩm này để thu lợi nhuận, tuy nhiên nguồn gốc sản phẩm còn chưa rõ ràng. Nếu không phát hiện kịp thời, bánh trứng chảy tràn ra thị trường với giá thành thấp sẽ ảnh hưởng đến thị phần bánh trung thu và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố cũng cho rằng, những loại bánh trung thu giá rẻ lưu thông làm cho thị trường bánh trung thu rơi vào cảnh “vàng thau lẫn lộn”, những cơ sở làm ăn chân chính bị ảnh hưởng và người tiêu dùng mất niềm tin.
Để sản xuất ra một chiếc bánh trung thu phải trải qua rất nhiều quy trình, công đoạn. Khi giá thành sản phẩm rẻ thì chắc chắn quy trình sản xuất phải thay đổi, có thể bị cắt bớt, thậm chí bỏ ngỏ khâu kiểm tra chất lượng. Chưa kể, nếu giá thành rẻ thì cũng cần đặt câu hỏi lớn về chất lượng nguồn nguyên liệu nhập vào. Thậm chí, với những chiếc bánh không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, không công khai thành phần dinh dưỡng trên bao bì tiềm ẩn còn nguy cơ về chất bảo quản, phẩm màu, phụ gia vượt quá mức cho phép hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng…
Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Trần Văn Chung, trong đợt cao điểm kiểm tra chất lượng bánh trung thu từ nay đến ngày 20-9, các đoàn kiểm tra sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp nguyên liệu, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu để bảo vệ không chỉ quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn của cả những cơ sở làm ăn chân chính. Thậm chí, công tác kiểm tra còn được tăng cường sau Tết Trung thu để tránh trường hợp bánh hết hạn sử dụng, bánh giá rẻ, kém chất lượng “tuồn” ra thị trường.
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu một số nguyên liệu làm bánh như lạp xưởng, bột, hạt sen… để xét nghiệm nhanh ngay trên xe kiểm nghiệm lưu động. Nếu phát hiện sản phẩm không bảo đảm chất lượng, cơ quan chức năng sẽ lập tức cho dừng lưu thông, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.