(HNM) - Trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 (từ ngày 1 đến 31-5-2023), công tác hướng dẫn, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra đã được triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Đó là đánh giá của Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Chu Thị Hạnh, khi trao đổi cùng phóng viên Báo Hànộimới.
- Bà có thể cho biết về thực trạng và những thiệt hại do tai nạn lao động gây ra thời gian qua?
- Theo số liệu báo cáo của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động gây ra vẫn có chiều hướng tăng. Thống kê năm 2022 cho thấy, chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương do tai nạn lao động là trên 14.117 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản hơn 268 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là trên 143.468 ngày (tăng khoảng 27.091 ngày so với năm 2021)… Nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng người sử dụng lao động chưa xây dựng được quy trình sản xuất, an toàn sử dụng lao động. Một số người lao động cũng chưa thực hành đúng quy trình, sử dụng không đúng cách trang thiết bị bảo hộ, chưa chú trọng tự bảo vệ cho bản thân.
- Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại do tai nạn lao động, các giải pháp nào đã, đang được triển khai, đặc biệt là trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023?
- Bảo đảm an toàn lao động là việc làm thường xuyên, và tháng 5 chính là tháng cao điểm để đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Kể từ lễ phát động diễn ra cuối tháng 4 đến nay, hàng loạt hoạt động đã được triển khai nhằm đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại tại các đơn vị, góp phần tăng cường hiểu biết, thực hiện quyền và trách nhiệm của người lao động. Nhiều văn bản hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp thực hiện an toàn lao động đã được ban hành. Trong đó, khuyến khích việc tự kiểm tra quy trình thực hiện an toàn lao động của đơn vị; kịp thời cải tiến, đổi mới, siết chặt quy trình, góp phần giảm tỷ lệ tai nạn, bảo đảm điều kiện làm việc an toàn.
Bên cạnh đó, việc quan tâm, thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn lao động được đặc biệt chú trọng. Cục An toàn lao động đã ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường thanh, kiểm tra, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Các cuộc thanh tra, kiểm tra đã, đang được cơ quan chức năng thực hiện, tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, như: Khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng…
- Thực tế cho thấy, vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động là rất quan trọng. Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Công tác thanh, kiểm tra trước hết nhằm hướng dẫn và kịp thời ngăn chặn nếu doanh nghiệp có sai phạm, qua đó, sớm có sự điều chỉnh phù hợp để người lao động có môi trường làm việc an toàn. Thực tế cho thấy, kể từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 29/CT-TƯ về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (năm 2013), và Quốc hội ban hành Luật An toàn, vệ sinh lao động (năm 2015) đến nay, đa phần doanh nghiệp đã dần đi vào nền nếp trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động.
Với các doanh nghiệp còn lơ là trong việc cải thiện quy trình lao động, cơ quan chức năng sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra và tăng cường kiểm soát chéo để bảo đảm hiệu quả và sự thực thi pháp luật. Đặc biệt, công tác chủ động tự kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp phải được đặt lên hàng đầu, trong đó, chú trọng đến việc xây dựng quy trình, biện pháp an toàn tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động. Đồng thời, như đã trao đổi, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, như: Sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, khoáng sản...
- Ngoài công tác thanh tra, kiểm tra, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nào trong thời gian tới, thưa bà?
- Các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, chú ý đối tượng người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Hiện tại, Cục An toàn lao động đang tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách bảo hiểm tự nguyện về tai nạn lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng nhằm tạo điều kiện cho họ dễ dàng tiếp cận tính ưu việt của bảo hiểm xã hội, được hưởng chế độ từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, qua đó góp phần bảo đảm các chính sách an sinh xã hội.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.