Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

Nhóm phóng viên| 27/03/2021 06:25

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 742/UBND-ĐT (15-3-2021) về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Bạn đọc Báo Hànộimới bày tỏ tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí sẽ dần được kiểm soát, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển.

Nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng môi trường không khí của Hà Nội bị suy giảm. Ảnh: Nguyễn Quang

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái: 
Giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân

Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều phương tiện xe mô tô, xe gắn máy không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật dẫn đến chất lượng không khí của Hà Nội suy giảm. Do vậy, việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí là hết sức cần thiết để giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Từ rà soát, đánh giá chất lượng môi trường của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, khí thải từ giao thông, công trình xây dựng; đồng thời, tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng...

Để giảm ô nhiễm môi trường không khí, theo tôi cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ không sử dụng than, than tổ ong gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn các hộ dân sử dụng hiệu quả rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thay cho việc đốt. Cùng với đó là xử lý nghiêm trường hợp đốt chất thải không đúng quy định; xây dựng phương án đề xuất loại bỏ xe mô tô, xe gắn máy không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật...

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung:
Công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, thời gian tới, quận Hai Bà Trưng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp theo dõi chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các giải pháp hiệu quả bảo đảm ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải trong xây dựng; rà soát, đầu tư để tăng diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, quận sẽ tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch, công nghệ thân thiện với môi trường; công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí...

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh: 
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng

Trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí, phát huy trách nhiệm bảo vệ môi trường, huyện Hoài Đức tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức quản lý chất lượng không khí cho cán bộ quản lý môi trường, chủ cơ sở sản xuất. Tập trung kiểm soát cơ sở sản xuất tại các làng nghề, hoạt động xử lý phụ phẩm. Gắn trách nhiệm của chính quyền sở tại khi để xảy ra tình trạng đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch. Yêu cầu cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư và đấu nối hệ thống xử lý nước thải vào khu xử lý của cụm, điểm công nghiệp, giảm phát tán bụi, khí thải. Yêu cầu công trình xây dựng phải áp dụng phương pháp chống ồn, thực hiện biện pháp hạn chế phát sinh bụi, khí thải. Chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ công tác xử lý bụi, khí thải, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

Bà Nguyễn Thị Tĩnh, tòa R4, chung cư Goldmark City, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm: 
Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Đọc nội dung công văn, có thể thấy UBND thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ rất cụ thể đến từng sở, ban, ngành và chính quyền các cấp với những giải pháp rất toàn diện. Bên cạnh đó, thành phố còn yêu cầu tăng cường trồng cây xanh, tái tạo rừng tự nhiên; cải tạo các sân chơi công cộng, vườn hoa cây xanh, kè hồ để tạo khu vui chơi giải trí, đồng thời góp phần điều hòa khí hậu, cải thiện chất lượng không khí trong khu vực.

Tuy nhiên, để xây dựng và giữ gìn những khu vui chơi, giải trí, vườn hoa, cây xanh, hồ điều hòa… luôn xanh, sạch, đẹp cần sự chung tay của cả chính quyền, cơ quan quản lý và cộng đồng. Như nơi tôi sống, khoảng 2 năm trước, người dân từng rất vui mừng khi công viên hồ điều hòa tại góc ngã tư Hồ Tùng Mậu - Trần Vỹ được xây dựng. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, toàn bộ lối đi trong công viên luôn ngập cỏ, rác thải các loại; nhiều người ngang nhiên đến câu cá trong hồ… khiến bộ mặt công viên hồ điều hòa nhanh chóng xuống cấp. Dự án hàng trăm tỷ có nguy cơ thành điểm ô nhiễm, người dân chẳng biết kêu ai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.