Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường đối thoại với dân

Quốc Bình| 26/05/2014 04:37

(HNM) - Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI)



Giải pháp tăng cường đối thoại với dân đã được nhiều cấp ủy Đảng triển khai thực hiện đem lại hiệu quả trông thấy. Nhưng đáng tiếc là vẫn còn nhiều cấp ủy Đảng chưa chú trọng công tác này.

Cử tri quận Ba Đình phát biểu tại một buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Đối thoại tạo niềm tin

Tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị từng trực tiếp về đối thoại với người dân, cùng với cấp ủy, chính quyền xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây giải quyết bức xúc dẫn đến sự việc "đòi trả lại danh hiệu di tích". Cuộc đối thoại đã giải tỏa bức xúc cho người dân; giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nhận ra thiếu sót. Sự việc để lại dư âm về hiệu quả của giải pháp đối thoại trực tiếp, thẳng thắn với dân trong giải quyết những vấn đề bức xúc. Không riêng lần này, trước khi đưa ra những chỉ đạo, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội thường trực tiếp xuống cơ sở làm việc, đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã từng chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương rằng: "Cần đối thoại với người dân, phải nghe cả ý kiến của người đồng tình và không đồng tình. Việc gì chưa tốt, chưa đúng, chưa phù hợp thì dù chỉ là một ý kiến cũng phải cố gắng giải quyết".

Những cấp ủy địa phương coi trọng biện pháp đối thoại với dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường thu được nhiều thắng lợi. Huyện Chương Mỹ đã dồn điền, đổi thửa được trên 96%, cao nhất trong các huyện, chiếm đến 1/7 tổng diện tích dồn điền, đổi thửa của toàn thành phố. Nói về kinh nghiệm để đạt được thành tích đó, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến cho biết: "Cấp ủy lãnh đạo bằng chủ trương, chính quyền quản lý, dân được làm chủ, nơi nào vướng mắc thì đối thoại tháo gỡ khó khăn, đặt lợi ích của người dân lên trên".

Cùng với Hà Nội, nhiều tỉnh, thành ủy trên cả nước đã tích cực thực hiện và chỉ đạo các cấp ủy các cấp thực hiện biện pháp đối thoại với dân để giải quyết các vấn đề bức xúc và nơi nào thực hiện tốt cũng đem lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là được dân tin tưởng. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nay là Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng từng được dư luận đánh giá cao vì đã đối thoại với dân ở nơi bà con tập trung phản đối việc hút cát lòng sông. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh định kỳ hằng tháng đối thoại, gặp gỡ dân giải quyết kiến nghị, khiếu nại tố cáo. Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh về sinh hoạt chi bộ cơ sở, đối thoại với dân giải tỏa khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Tỉnh ủy Đồng Tháp thực hiện định kỳ chương trình "Ngày thứ sáu nghe dân nói" với việc cử cán bộ chủ chốt các xã xuống các ấp đối thoại với dân vào thứ sáu hằng tuần…

Chậm đối thoại, hậu quả khó lường

Trong khi đó, nhiều cấp ủy địa phương vẫn chưa chú trọng giải pháp đối thoại với dân, để việc nhỏ trở thành việc to, hậu quả đôi khi không lường được. Tình trạng chậm, ngại, né tránh không muốn đối thoại trực tiếp với dân vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Ngay như vụ việc tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) trước đây, cần thấy rằng việc phải để Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp xuống đối thoại với dân là lỗi của cấp ủy địa phương đã không kịp thời đối thoại cùng bàn biện pháp giải quyết với dân. Mới đây, người dân thôn Phù Mã (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) bức xúc vì vấn đề thu hồi đất để đấu giá của UBND xã, nhưng điều khiến người dân thêm bức xúc lại là yêu cầu được đối thoại mà cấp ủy, chính quyền xã không đáp ứng. Trước đó, những bức xúc của tiểu thương chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) được đẩy lên cao phần nào cũng vì cấp ủy xã, huyện chậm chỉ đạo việc đối thoại với dân. Vụ việc cũng cho thấy, chỉ có đối thoại mới lấy lại lòng tin đối với dân, mới giải tỏa được bức xúc.

Vấn đề hiện nay chính là làm thế nào để các cấp ủy Đảng coi trọng biện pháp đối thoại với dân thật sự. Để khi xảy ra bất kỳ mâu thuẫn, bức xúc trên địa bàn thì các cấp ủy đều sẵn sàng đối thoại với dân một cách thành thục, có kết quả. Theo các chuyên gia, khi cán bộ không dám hoặc ngại đối thoại với dân, chủ yếu là vì không đủ uy tín, yếu kém về trình độ dẫn đến thiếu tự tin, hoặc không dám nhận trách nhiệm. Do đó, nếu muốn áp dụng giải pháp này, các cấp ủy Đảng cần thực hiện tốt công tác cán bộ, lựa chọn những người có đủ phẩm chất, đủ tự tin để đối thoại với dân. Đây là đòi hỏi không hề dễ, nhưng là việc làm thiết thực để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng - vấn đề đang được toàn Đảng coi trọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường đối thoại với dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.