(HNM) - Theo các chuyên gia, ngành vận tải hành khách và hàng hóa là ngành nghề kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc điều chỉnh giá xăng dầu. Ước tính, phí xăng dầu chiếm khoảng 45% chi phí cấu thành giá dịch vụ vận tải.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua giá xăng tăng gần 2.000 đồng/lít khiến nhiều doanh nghiệp vận tải, nhất là các hãng taxi như "ngồi trên lửa". Nhiều chủ hãng taxi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang cân nhắc đề xuất tăng cước từ 500 - 1.000 đồng/km, bởi với mức tăng gần 4.000 đồng/lít xăng qua hai lần điều chỉnh tăng từ đầu năm đến nay khiến doanh nghiệp vận tải khó khăn thật sự.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tăng giá cước vận tải trong thời điểm này là "con dao hai lưỡi". Hiện nay, nhu cầu đi lại không phải là mùa cao điểm, trong khi nhiều hãng dịch vụ vận tải liên tục ra đời, cạnh tranh nhau ngày càng gay gắt khiến cho việc lựa chọn đi lại của người dân cũng dễ dàng hơn. "Trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông phát triển rất mạnh, kéo theo đó dịch vụ vận tải, nhất là vận tải hành khách cũng phát triển theo. Giờ đây, nhiều hãng phải cạnh tranh bằng giá khi chất lượng dịch vụ chưa được tốt. Do đó, không phải muốn tăng giá là tăng, doanh nghiệp phải cân nhắc, tính toán chi li. Tăng giá mà mất khách thì bài toán kinh doanh coi như thất bại", một chuyên gia phân tích. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông nhận định: "Sắp tới có tăng hay không tôi chưa thể khẳng định, nhưng theo tôi, nguy cơ mất khách khi tăng giá là điều mà các doanh nghiệp cần lường trước".
Các tài xế này cho rằng, việc tăng giá cước không giúp cánh tài xế tăng thu nhập, trái lại có nguy cơ "ế" hơn. "Tâm lý hành khách ngại đi taxi khi hay thông tin tăng giá cước. Mỗi đợt tăng giá như vậy thu nhập của chúng tôi giảm hơn, bởi tiền xăng vẫn phải trả thêm nhưng khách hàng không tăng, không thể bù đắp khoản hao hụt đó", một tài xế Hãng Taxi Mai Linh cho biết. Đứng về phía doanh nghiệp, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh cho biết, hiện công ty đang tính toán lại phương án kinh doanh. "Nhưng trước khi tăng giá cước, chúng tôi sẽ lấy ý kiến tài xế", ông Huy khẳng định.
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc điều chỉnh tăng hay giảm giá là bài toán kinh doanh của doanh nghiệp. "Riêng đối với ngành vận tải, khi xăng giảm thì họ cũng giảm, còn khi xăng tăng họ điều chỉnh tăng là điều bình thường. Vấn đề là tăng bao nhiêu, tăng như thế nào cho hợp lý. Sở sẽ căn cứ trên nguyên tắc này để duyệt mức tăng phù hợp và sẽ kiên quyết buộc dừng các trường hợp kê khai giá không phù hợp với yếu tố đầu vào cũng như mặt bằng giá cả thị trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân" - ông Nguyễn Quốc Chiến nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.