Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng chất lượng, giảm gánh nặng ngân sách

Hương Ly| 23/09/2016 06:19

(HNM) - Thực tế cho thấy, mô hình đầu tư nhà ở TĐC theo hình thức trực tiếp từ vốn ngân sách và hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đã bộc lộ nhiều bất cập.


Sử dụng nhà ở xã hội là một giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng tái định cư. Ảnh: Bá Hoạt


Mô hình đầu tư cũ: Nhiều nhược điểm

Thực hiện nhiệm vụ chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Thủ đô phát triển theo hướng bền vững, những năm gần đây, nhiều dự án hạ tầng đô thị đã được triển khai. Trong đó, từ năm 2010 đến tháng 6-2016, trên địa bàn thành phố có 3.073 dự án phải thực hiện thu hồi đất; đã hoàn thành 1.711 dự án, với tổng diện tích đất hơn 8.462ha. Thành phố cũng đã chi trả hơn 54.829 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 213.554 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí TĐC cho 9.924 hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở. Tuy nhiên, theo nhận định của Thành ủy Hà Nội, quá trình đô thị hóa quá nhanh, quy hoạch phát triển đô thị ngày càng mở rộng đã khiến khối lượng dự án phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn rất lớn. Trong điều kiện cơ chế, chính sách về GPMB chưa đồng bộ, thắc mắc, khiếu kiện đã nảy sinh. Bất cập lớn hiện nay là thành phố chưa có cơ chế phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội phát triển các khu đô thị TĐC đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Trong khi đó, chính sách về lựa chọn hình thức TĐC bằng nhà hoặc bằng tiền lại chưa rõ hiệu quả.

Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội cũng cho thấy, hai mô hình đầu tư nhà ở TĐC gồm đầu tư trực tiếp từ vốn ngân sách và đầu tư theo hình thức BT đã bộc lộ nhiều bất cập. Hình thức đầu tư thứ nhất, do nguồn vốn của thành phố còn eo hẹp nên chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu hằng năm. Vì vậy, việc triển khai thường kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB các công trình. Bên cạnh đó, hình thức này cũng đòi hỏi phải hình thành bộ máy quản lý công trình sau đầu tư, gây lãng phí và kém hiệu quả. Hình thức BT tuy có ưu điểm là giảm áp lực về ngân sách song vẫn đòi hỏi Nhà nước phải tiếp nhận công trình để quản lý, vận hành và cũng có chung nhiều nhược điểm như hình thức thứ nhất.

Đặt hàng xây dựng nhà tái định cư

Thực tế cho thấy, các khu TĐC được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách không chỉ bộc lộ hạn chế về nguồn vốn mà chất lượng nhà đã, đang là nỗi bức xức của các hộ dân nhiều năm qua. Ông Dương Ngọc Lương, phòng 704, nhà A3, khu TĐC Đền Lừ (Hoàng Mai), cho biết: "Chuyển sang nhà mới nhưng quanh năm phải sống chung với ẩm mốc do hệ thống nước bị rò rỉ. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm rác thải đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của gia đình tôi mà còn là mối lo chung của cư dân các tòa nhà TĐC A1, A2, A3".

Để khắc phục những bất cập trong xây dựng nhà TĐC, TP Hà Nội đã đặt mục tiêu hạn chế tối đa hình thức đầu tư bằng ngân sách nhà nước, đồng thời không xây dựng theo hình thức BT mà sẽ đẩy mạnh việc tạo lập nhà TĐC gắn với nhà ở thương mại và sử dụng nhà ở xã hội; trong đó, ưu tiên phương án sử dụng nhà ở xã hội để TĐC. Đón nhận chủ trương mới của thành phố, chị Nguyễn Hoàng Lan, một người dân sống tại quận Hoàng Mai kỳ vọng, trên địa bàn sẽ không có thêm những khu nhà TĐC kém chất lượng. Thế nhưng, quan trọng nhất là khâu giám sát thi công các khu TĐC theo "đơn đặt hàng", tránh tình trạng DN "nói một đằng, làm một nẻo".

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, các khu nhà TĐC được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, thiết kế rập khuôn, không hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống. Việc kêu gọi xã hội hóa nhằm san sẻ gánh nặng cho Nhà nước khi xây dựng các khu TĐC là cần thiết. Tuy nhiên, khi thu hút các nguồn lực tư nhân, cần nêu rõ doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi gì thì mới tạo được động lực thu hút nhà đầu tư. Đồng quan điểm, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bổ sung ý kiến: Nhà TĐC phải là sản phẩm hàng hóa, đưa ra thị trường thì mới đánh giá được chất lượng, hiệu quả.

Dưới quan điểm của một cư dân TĐC, bác Đặng Thị Mười, phòng 707, nhà A2, khu TĐC Đền Lừ (quận Hoàng Mai), mong muốn chủ trương mới của thành phố sẽ sớm được thực hiện. "Điều này sẽ giúp người dân thuộc diện TĐC có thể sinh sống trong những căn hộ khang trang, sạch sẽ chứ không phải những ngôi nhà xuống cấp, thậm chí nguy hiểm như khu TĐC Đền Lừ" - bác Đặng Thị Mười chia sẻ.

Nghị quyết 08-NQ/TU về Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội nêu rõ, sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích các hộ gia đình đủ điều kiện TĐC được nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo TĐC theo phương thức tự nguyện; có chính sách khuyến khích đặt hàng các doanh nghiệp xây dựng nhà TĐC theo tiêu chuẩn nhà ở để phục vụ nhu cầu TĐC.

Theo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang triển khai 51 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở TĐC đã được bố trí vốn ngân sách. Từ nay đến hết năm 2018, thành phố cần khoảng 10.700 căn hộ để TĐC phục vụ công tác GPMB các dự án. Riêng năm 2016, khả năng đáp ứng nhà TĐC của thành phố là 1.700 căn nhưng cần bổ sung khoảng 1.000 căn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng chất lượng, giảm gánh nặng ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.