Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng chất lượng, đi vào chiều sâu

Thùy Linh| 27/04/2018 07:19

(HNM) - Chương trình bình ổn thị trường năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 1-4-2018 đến 31-3-2019.


Hàng hóa phong phú, đa dạng

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình bình ổn thị trường (gọi tắt là Chương trình) năm nay có số lượng hàng hóa tăng, chủng loại phong phú, đa dạng. Theo đó, lương thực - thực phẩm có 10 nhóm mặt hàng (tăng 1 mặt hàng so với năm 2017), lượng hàng bình ổn trong các tháng thường chiếm từ 25% đến 30% nhu cầu thị trường và chiếm 30%-40% trong các tháng Tết. Nhóm hàng hóa phục vụ mùa khai trường có 103 loại sản phẩm (tăng 22 loại so với năm 2017), lượng hàng bình ổn chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn. Nhóm hàng sữa có tổng số lượng tham gia Chương trình hơn 1.940 tấn sữa bột/năm và 12,52 triệu lít sữa nước/năm, chiếm từ 30% đến 35% mức tiêu dùng của thị trường thành phố. Nhóm dược phẩm có 21 nhóm thuốc, 176 hoạt chất và 383 mặt hàng tham gia.

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhiều điểm bán hàng bình ổn thị trường.


Các doanh nghiệp trong Chương trình đăng ký giá bán với Sở Tài chính, bảo đảm: Các mặt hàng lương thực, thực phẩm có giá thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất 5%-10%, và giữ giá bán ổn định trong thời gian 2 tháng trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi 2019; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 10% đến 15%; các mặt hàng sữa bảo đảm giá có tính hợp lý, ổn định và có khả năng dẫn dắt thị trường. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động làm cho giá bán của Chương trình không đảm bảo tiêu chí thấp hơn thị trường ít nhất 5% thì doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá với Sở Tài chính, nhưng giá bán bình ổn thị trường vẫn có tính hợp lý, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Chương trình năm nay có 90 doanh nghiệp tham gia (tăng 2 doanh nghiệp so với năm 2017), trong đó 78 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và 12 tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Năm nay, các ngân hàng thương mại tham gia chương trình đăng ký cho vay hơn 20.000 tỷ đồng và cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Tăng cường đưa hàng vào bếp ăn tập thể, trường học

Hiện thành phố có 10.602 điểm bán hàng bình ổn. Trong đó, lương thực - thực phẩm có 4.027 điểm bán; hàng phục vụ mùa khai trường có 824 điểm bán; sữa có 1.569 điểm bán; dược phẩm có 4.182 điểm bán. Hệ thống phân phối trong chương trình liên tục phát triển theo chiều sâu, ngày càng hiện đại. Siêu thị, cửa hàng bình ổn thị trường đã có mặt trên địa bàn 24 quận, huyện, xen kẽ trong khu dân cư, các chợ truyền thống, các khu chế xuất - khu công nghiệp, phục vụ kịp thời nhu cầu mua sắm của người dân đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, công nhân...

Tại Hội nghị “Chương trình bình ổn thị trường năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019” do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp - khu chế xuất cho biết yêu cầu kết nối chương trình bình ổn thị trường để cung cấp thực phẩm để thực hiện suất ăn cho công nhân là rất lớn. Vì vậy cần tăng cường số chuyến hàng và cả các mặt hàng bán vào nơi này. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, các doanh nghiệp trong Chương trình rất khó tiếp cận các bếp ăn tập thể của trường học, khu chế xuất - khu công nghiệp. Theo các doanh nghiệp, lý do là các nơi này sử dụng nguồn cung đầu vào hàng trôi nổi, chiết khấu từ 20% đến 30% tùy mặt hàng. Trong khi đó, vì sản xuất hàng theo chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc tốn chi phí hơn nên các doanh nghiệp không thể có mức chiết khấu đó, nên không đưa hàng vào các bếp ăn tập thể được. Các doanh nghiệp đề nghị Sở Công Thương thường xuyên phối hợp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở các bếp ăn tập thể để học sinh và người lao động được sử dụng thực phẩm an toàn, từ đó doanh nghiệp trong Chương trình có thêm cơ hội cạnh tranh công bằng tại các bếp ăn của trường học, khu công nghiệp - khu chế xuất.

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương đã đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh có sự kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ các loại thực phẩm đưa vào các bếp ăn tập thể, bảo đảm thực phẩm đưa vào đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại Quyết định số 1171/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã giao Sở Y tế, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp của thành phố phối hợp với Sở Công Thương kết nối với các doanh nghiệp tham gia Chương trình nhằm cung ứng hàng bình ổn thị trường vào các trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể tại khu chế xuất - khu công nghiệp của thành phố, nhằm mang bữa ăn chất lượng đến các đơn vị này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng chất lượng, đi vào chiều sâu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.