Thế giới

Tân Tổng thống Panama cam kết hạn chế di cư với sự hỗ trợ của Mỹ

Kim Phượng 02/07/2024 - 14:53

Tân Tổng thống Panama Jose Raul Mulino vừa nhậm chức hôm 1-7 với lời cam kết sẽ hạn chế tình trạng di cư bất hợp pháp.

Chính phủ của ông đã nhanh chóng ký một thỏa thuận với Mỹ nhằm hạn chế tình trạng di cư qua tuyến đường rừng Darien Gap nguy hiểm.

di-cu.jpg
Những người di cư đi qua trạm kiểm soát biên giới đầu tiên tại khu rừng Darien Gap ở Panama. Ảnh: Getty

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là Tổng thống, ông Mulino, 65 tuổi, đã hứa sẽ kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế để tìm ra giải pháp cho những gì được mô tả là "cuộc khủng hoảng nhân đạo và môi trường" tốn kém.

Năm ngoái, kỷ lục 520.000 người di cư đã liều mạng vượt qua Darien Gap, một khu rừng rậm rạp trên biên giới Panama với Colombia.

Cùng ngày, tân Bộ trưởng Ngoại giao của Panama đã ký một biên bản ghi nhớ với Mỹ để "ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp đi qua Darien", Chính phủ Panama cho biết trong một tuyên bố. Theo biên bản ghi nhớ này, Washington đồng ý chi trả chi phí hồi hương những người di cư nhập cảnh bất hợp pháp vào Panama.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết trong một tuyên bố rằng, thỏa thuận này "được thiết lập nhằm mục đích chung là giảm số lượng người di cư qua rừng Darien, thường là trên đường đến Mỹ".

"Những nỗ lực đưa người di cư trở về quê hương của họ sẽ giúp ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp trong khu vực và tại biên giới phía Nam của chúng tôi, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của các mạng lưới buôn người nhắm vào những người di cư dễ bị tổn thương”, ông John Kirby nêu rõ.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, các nhóm an ninh nội địa Mỹ tại Panama sẽ giúp chính phủ nước này đào tạo nhân sự và xây dựng chuyên môn cũng như khả năng xác định những người di cư nào có thể bị trục xuất khỏi nước này theo luật di trú Panama. Đối với những người di cư sắp bị trục xuất, Mỹ sẽ trả tiền cho các chuyến bay để họ trở về nước.

Tính đến nay, đã có hơn 190.000 người vượt biên Mỹ vào năm 2024, phần lớn là người di cư từ Venezuela, Ecuador, Colombia... Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phải vật lộn để chứng minh với cử tri trong năm bầu cử rằng họ có thể giải quyết vấn đề nhập cư và an ninh biên giới.

Cựu Tổng thống Donald Trump, người đã biến nhập cư thành vấn đề quan trọng trong năm bầu cử, đã chỉ trích, nói rằng ông Biden phải chịu trách nhiệm về các vấn đề ở biên giới.

Dữ liệu công bố hôm 1-7 cho thấy, số lượng người nhập cư trái phép qua biên giới phía Nam nước Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua, đánh dấu mức thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden chỉ một thời gian ngắn sau khi ông ký lệnh hành pháp gây tranh cãi hạn chế nhập cư vào tháng 6.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tân Tổng thống Panama cam kết hạn chế di cư với sự hỗ trợ của Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.