(HNMO) – Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương được trình Quốc hội chiều 3-11 đưa ra 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương: Không tổ chức HĐND ở quận, phường; Tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính.
Đề nghị giao Chính phủ quyết việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương điều chỉnh các vấn đề sau: về tổ chức đơn vị hành chính; về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương; về tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND và mối quan hệ giữa HĐND, UBND với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân.
Theo đó, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, dự luật xây dựng 2 phương án: (1) Không tổ chức HĐND ở quận, phường; (2) Tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính.
Theo mô hình của Phương án 1, các đơn vị hành chính quận, phường không tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) mà chỉ tổ chức UBND là chính quyền địa phương của quận, phường, chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật này và các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên ủy quyền (chức năng đại diện, giám sát và quyết định các vấn đề ở quận, phường không phải là ‘‘bỏ’’ mà do HĐND thành phố, thị xã thực hiện) . Các đơn vị hành chính còn lại theo Hiến pháp năm 2013 (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn) đều tổ chức cấp chính quyền có HĐND và UBND.
Theo phương án 2, HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp (đặc biệt ở quận và phường).
Cùng với quy định về tổ chức, dự luật cũng quy định nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc quyết định các vấn đề của địa phương; quy định chính quyền cấp huyện, cấp xã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị các quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt điều chỉnh; dự án Luật chỉ quy định những nội dung cơ bản (quy định nguyên tắc) về điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, việc hướng dẫn cụ thể giao Chính phủ.
Một phiên họp của HĐND Thành phố Hà Nội |
Tán thành việc tăng số lượng đại biểu HĐND ở thành phố
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết và mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật. Ủy ban đề nghị, Luật tổ chức chính quyền địa phương chỉ nên tập trung quy định những vấn đề về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những nguyên tắc hoạt động chính, còn những vấn đề về trình tự, thủ tục, cách thức hoạt động thì cần được cân nhắc kỹ và chỉ đưa vào luật những quy định thật sự cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, theo Ủy ban pháp luật, Hiến pháp đã quy định, thẩm quyền quyết định thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp tỉnh được giao cho Quốc hội và đơn vị dưới cấp tỉnh được giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. Do đó, Luật cần quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn để tạo cơ sở cho việc thực hiện thẩm quyền nói trên mà không nên giao Chính phủ hay Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban pháp luật tán thành việc trình Quốc hội 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như trong Tờ trình của Chính phủ nhưng đề nghị cần nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án.
Để có thêm cơ sở cho Quốc hội thảo luận và quyết định, Ủy ban pháp luật đề nghị cơ quan trình dự án cần làm rõ các khái niệm “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương”, để từ đó xác định được ở những loại đơn vị hành chính nào thì tổ chức “cấp chính quyền địa phương” (gồm HĐND và UBND) và ở đơn vị hành chính nào không tổ chức cấp chính quyền địa phương; làm rõ những điểm chung và riêng về tính chất, đặc điểm của địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo để xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; cân nhắc tên gọi của cơ quan hành chính trong trường hợp không tổ chức HĐND, cũng như mô hình tổ chức, cách thức thành lập, cơ chế hoạt động của cơ quan này, kể cả các cơ quan chuyên môn cùng cấp để làm rõ sự cần thiết của việc không tổ chức cấp chính quyền ở các đơn vị hành chính này.
Về Hội đồng nhân dân, Ủy ban pháp luật tán thành việc quy định cụ thể số lượng và tiêu chuẩn đại biểu HĐND ngay trong Luật tổ chức chính quyền địa phương để thống nhất với Luật tổ chức Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Về số lượng đại biểu HĐND, Ủy ban pháp luật tán thành phương án tăng số lượng đại biểu HĐND ở thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã trong trường hợp không tổ chức HĐND ở quận, phường để tăng cường năng lực, hiệu quả giám sát của HĐND đối với các đơn vị hành chính cấp dưới. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tổ chức HĐND như hiện nay, Ban soạn thảo nên cân nhắc việc tăng thêm số lượng đại biểu HĐND ở một số cấp hành chính như đề xuất của Chính phủ để bảo đảm hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Cũng trong chiều 3/11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và dự án Luật thú y.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.