Theo CNN ngày 8-10, Trung Quốc đã dành 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) cho các dự án đầu tư của chính quyền địa phương năm nay, đồng thời cam kết sẽ đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng.
Thông tin này được Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) - cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc công bố tại cuộc họp báo ngày 8-10, khiến các nhà đầu tư thất vọng vì họ đã kỳ vọng một gói kích thích kinh tế lớn hơn.
“Chúng tôi tự tin sẽ đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, đồng thời duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định và lành mạnh,” ông Zheng Shanjie, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh.
Hồi tháng 3, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, nhưng loạt dữ liệu kinh tế trong mùa hè vừa qua yếu đến mức nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng mục tiêu này có thể không đạt được. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trong tình trạng trì trệ và phải đối mặt với nhiều vấn đề như khủng hoảng bất động sản, chi tiêu yếu và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao.
Số tiền 200 tỷ nhân dân tệ được phân bổ, bao gồm 100 tỷ từ ngân sách trung ương và 100 tỷ cho đầu tư, được kỳ vọng sẽ "tiếp sức" cho các địa phương đang đối mặt với khủng hoảng nợ, ông Zheng cho biết.
Các chuyên gia kinh tế đang háo hức chờ đợi gói kích cầu kinh tế trị giá lên tới 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (285 tỷ USD) được chính thức công bố trong tháng này. Động thái này được cho là đã nhận được sự đồng thuận cuối cùng của Chủ tịch Tập Cận Bình sau một thời gian dài trì hoãn, nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
"Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang tỏ ra khá thất vọng khi chưa thấy những động thái rõ ràng về chính sách tài khóa mới", ông Fred Neumann, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á của HSBC, chia sẻ với CNN.
"Nới lỏng tài khóa là rất cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Có thể chúng ta sẽ thấy những tín hiệu tích cực hơn vào cuối tháng này" - ông Fred Neumann nói.
Các biện pháp được công bố tháng trước chủ yếu tập trung vào chính sách tiền tệ, thường liên quan đến các quyết định của ngân hàng trung ương nhằm tác động đến chi phí vay và kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, các chính sách tài khóa như giảm thuế hoặc tăng chi tiêu công, thường mang tính trực tiếp và mạnh mẽ hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.