Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tản mạn chuyện giám khảo

Trần Linh| 18/07/2010 07:58

(HNM) - Đã qua rồi cái thời người nhận giải lẫn công chúng tôn thờ giải thưởng văn học - nghệ thuật như chính ý nghĩa tự thân của nó là ghi nhận và tôn vinh các giá trị sáng tạo nghệ thuật. Những cuộc tranh luận không ngớt của giới chuyên môn cùng với những lời "bàn ra, tán vào" của dư luận càng khiến không ít người hồ nghi về giá trị các giải thưởng.

Ban giám khảo cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ.

Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 16 vừa rồi, ban giám khảo phim truyện nhựa gồm hầu như tất cả các thành phần tham gia sáng tạo một bộ phim, có cả đạo diễn trẻ, diễn viên trung tuổi… Nói chung, một ban giám khảo như thế dễ khiến nghệ sĩ và khán giả yên tâm khi chấm các giải cá nhân, kiểu như khi chọn nam, nữ diễn viên xuất sắc nhất thì đã có diễn viên ngồi ghế giám khảo cho ý kiến, nhạc sĩ xuất sắc nhất thì có nhạc sĩ phát biểu…

Nhưng chính vì đã có người ở lĩnh vực đó mà tiếc thay lại chỉ một người nên những thành viên khác thường nương theo ý kiến của họ khi quyết định. Không nương theo thì hiển nhiên tiếng nói của giám khảo có chuyên môn sâu rõ ràng là thuyết phục hơn. Giám khảo nhạc sĩ chắc là không hiểu về diễn xuất bằng giám khảo diễn viên. Vậy nên mới có chuyện Lan Hà không có tên trong đề cử nhưng đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất hay Bình Minh diễn xuất ở phim Chuyện tình xa xứ khá hơn phim 14 ngày phép lại được giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho phim sau… Những tréo ngoe này có thể được giải quyết rốt ráo nếu có ban tư vấn làm việc bên cạnh ban giám khảo để tham mưu khi quyết định về giải thưởng, chứ không phải hàng chục giải thưởng cá nhân mà chỉ đưa ra bàn bạc trên cơ sở nghe ý kiến một người để rồi quyết định chóng vánh trong một buổi sáng…

Cuộc thi Sao Mai 2009 diễn ra nhiều vòng nên thành phần ban giám khảo thay đổi liên tục. Theo giải thích của đơn vị tổ chức, làm như vậy "để tránh trường hợp chẳng may một vị giám khảo o bế thí sinh từ vòng ngoài đến vòng trong". Hỏi vị này, có phải ban tổ chức không tin giám khảo? Câu trả lời là "không phải không tin nhưng thay đổi thế để cái nhìn của giám khảo này so với giám khảo kia là tương đối (gần nhau) chứ không quá cách xa nhau, kiểu như người này cho 10 nhưng người kia cho 8 điểm". Nghĩa là người ta còn muốn các vị giám khảo có quan điểm gần với nhau chứ không phải mỗi người một phách. Mà thật ra giám khảo phải có chính kiến khác nhau mới không bỏ lọt "sao" chứ. Dường như các cuộc thi, liên hoan ở Việt Nam đặt quá nhiều mục tiêu lên đôi vai các vị giám khảo nên chẳng mấy ai mặn mà ngồi ghế này?

"Vừa đá bóng, vừa thổi còi" là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều hội đồng giám khảo, nhất là giải thưởng của các hội văn học - nghệ thuật. Dĩ nhiên, khi có tên trong hội đồng, người này mất quyền bỏ phiếu hay chấm điểm cho tác phẩm của mình, nhưng chuyện ngồi cùng ghế với nhau, nể nang nhau hay... rỉ tai nhau mà nhân nhượng là khó tránh khỏi. Chưa hết, có vị nhiều năm ngồi ghế chủ tịch ban giám khảo một cuộc thi hát, trong khi thí sinh vừa là sinh viên của trường (mà ông làm hiệu trưởng), vừa hát bài của ông. Có cuộc thi mà người ta kết luận rằng, ai hát bài của ông thì được giải. Vậy nên ngay cả khi bài hát của ông xứng đáng được lựa chọn, người ta vẫn có nghi kỵ. Sao không dũng cảm nhường ghế, nhường "ngôi" cho người khác khi biết có thí sinh hát bài mình hay thí sinh là học trò của mình?! Tuổi đời của các ban giám khảo phần lớn các cuộc thi ở nước ta đều cao. Ngay cả Sao Mai là cuộc thi dành cho tài năng trẻ ca hát, thì số giám khảo cứng tuổi luôn chiếm phần nhiều ở các vòng thi. Có người cho rằng nên dành vai trò giám khảo cho các nghệ sĩ trẻ hơn sẽ có cái nhìn mới hơn và như thế kết quả sẽ xác đáng hơn.

Ở nhiều cuộc bình chọn, những tưởng quyền quyết định thuộc khán giả. Nhưng số phiếu bầu hay tin nhắn của khán giả gửi về có được phản ánh trung thực hay không thì còn phải... chờ. Vì có những cuộc bình chọn mà giải thưởng... chẳng biết từ đâu ra. Ví dụ, cuộc bình chọn phim truyền hình được yêu thích nhất 2009, ngoài giải thưởng này dành cho Bỗng dưng muốn khóc với số phiếu bình chọn được công khai, rõ ràng thì những giải thưởng khác không kèm theo một số liệu nào. Vậy nên dễ dàng thấy sự bất cập, khi Bỗng dưng muốn khóc được bầu với số phiếu 44% thì hầu hết các giải thưởng cá nhân lại rơi vào những phim khác. Buồn hơn cả là kịch bản Ngõ lỗ thủng chuyển thể từ hai tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh bị khá nhiều người trong giới văn chương phản ứng vì sự lệch pha giữa tình huống trong câu chuyện phim và bối cảnh, nhưng lại được giải kịch bản hay nhất.

Chuyện dàn xếp, chia giải cũng trở thành căn bệnh phổ biến trong rất nhiều giải thưởng đã tạo nên một tâm lý "hòa cả làng" mỗi khi đi thi thố. Điều này phần nào cho thấy sự thỏa hiệp của các giám khảo, hay nặng ngôn hơn thì đó là những vị giám khảo... ngoan, biết vâng lời. Chưa kể, quy chế xét giải còn lỏng lẻo tạo điều kiện cho những lợi ích cá nhân xen vào làm ảnh hưởng đến giá trị khách quan của giải. Quy trình xét giải chưa thật dân chủ và công khai và rõ ràng ngay từ đầu…

Chuyện các vị trong ban giám khảo hay hội đồng nghệ thuật của các cuộc thi, liên hoan là câu chuyện dài chưa có hồi kết. Giải thưởng, suy cho cùng, thường là kết quả đánh giá của một ban giám khảo nên người ta thường nói, ban giám khảo nào, giải thưởng ấy. Dẫu không phải tất cả, nhưng chỉ cần thế thôi cũng làm cho người trong giới lẫn công chúng không "tâm phục, khẩu phục".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tản mạn chuyện giám khảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.