(HNM) - Cả một ngày ngâm mình trong mưa, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được các điểm bị ngập chìm sau lũ của tỉnh Hà Tĩnh.
Trắng tay sau lũ
Ngày 16 và 17-10, tại các xã biên giới giáp Lào như Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn mưa lớn nước từ thượng nguồn đổ về cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản, hoa màu… khiến người dân nơi đây không kịp trở tay. Vừa trở về nhà sau ngày chạy lũ, bà Nguyễn Thị Lan (42 tuổi) ở xóm Làng Chè, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) hoang mang kể lại: "Khoảng 10h ngày 16-10, trời mưa xối xả, nước từ thượng nguồn đổ về Khe Chẻ tràn qua vườn nhà, chảy ầm ầm đẩy trôi tường nhà. Vợ chồng tôi chia nhau bồng 3 đứa con rồi chạy ra khỏi nhà, lên đồi đất cao tránh thoát thân. Ngày hôm sau, khi trời mưa, nước rút về lại thì như chết đứng khi thấy ngôi nhà bị nước cuốn sập còn nền đất…". Còn Ông Nguyễn Văn Hợi (57 tuổi) nói trong nước mắt: "Lũ quét nhanh quá, nước trắng xóa đường sá, tràn vào nhà cửa, người dân chúng tôi người lớn cõng người già, trẻ em tháo chạy ra khỏi làng chứ không kịp lấy đồ đạc gì nữa. Về lại nhà thì chỉ thấy bùn đất trôi lấp vào nhà dày gần 1m…".
Sau khi lũ rút, lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh khẩn trương đến xã Sơn Kim 2 giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Ảnh: Thân Ba |
Đến cuối giờ chiều qua 17-10, trao đổi thông tin với PV Hànộimới, ông Bùi Lê Bắc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho hay, mưa vừa đến mưa to trong các ngày 15 và 16-10 đã làm ngập lụt ở 35 xã, thị trấn của huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê. Hậu quả gây ra rất lớn, đã có 7 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi (Hương Sơn 5 nhà, Vũ Quang 2 nhà), 13.856 nhà bị ngập, trong đó có gần 4.000 nhà ngập sâu trên 1,5m; gần 10.000 nhà ngập sâu dưới 1,5m; 278 nhà bị tốc mái, 4 trạm y tế ở Hương Khê bị ngập sâu. Mưa lũ đã làm tuyến quốc lộ 8A bị sạt lở gây ách tắc, chia cắt tại khu vực Km72, cách Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn) khoảng 2km về phía Việt Nam.
Sáng 17-10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cùng Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục lũ lụt tại các huyện Hương Sơn. Huyện Hương Sơn có 4 người chết và mất tích, 3 người bị thương; về tài sản có 23 xã, thị trấn bị ngập lũ; nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp mất trắng; hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm hư hỏng nặng... Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ huyện 30 tấn giống ngô và 3.000 thùng mì tôm để khẩn trương giúp đỡ nhân dân vùng lũ ổn định cuộc sống.
Tất cả vì sự an toàn của nhân dân
Từ đầu giờ chiều 17-10, nước lũ từ thượng nguồn sông Lam bắt đầu đổ về gây ngập nặng trên địa bàn huyện Nghi Xuân, đặc biệt tại quốc lộ 1A, đoạn qua hai xã Xuân Hồng và Xuân Lam, các phương tiện không thể lưu thông do nước ngập sâu từ 30 đến 40cm. Theo Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Đặng Văn Tính, bên cạnh việc bố trí lực lượng, hướng dẫn các phương tiện không lưu thông trên các đoạn bị ngập nước, địa phương đang khẩn trương di dời 199 hộ dân với 560 nhân khẩu (trong đó có 100 cụ già và 99 trẻ em) về nơi trú ẩn an toàn. Trong đợt mưa lũ này, ngoài thiệt hại về cơ sở hạ tầng hiện chưa đo đếm được thì mưa lũ cũng làm 282ha lúa, 150ha khoai lang, 20ha ao hồ nuôi cá nước ngọt của nhân dân gần đến mùa thu hoạch bị ngập nước, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tĩnh, trận lũ quét ngày 16-10 tại xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, ở khu vực vùng lòng hồ công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang nhiều hộ dân chưa di dời kịp đã bị mắc kẹt. Trong giây phút nguy nan, Đồn Biên phòng 567 - Hương Quang đã huy động 40 cán bộ, chiến sĩ ứng cứu kịp thời. Ngày 17-10, nước lũ trên địa bàn xã Hương Quang đã rút, Đồn Biên phòng 567 tiếp tục cử lực lượng khắc phục các điểm sạt lở, cây cối đổ gãy làm ách tắc giao thông, đồng thời giúp bà con khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Ngoài ra, tại huyện Đức Thọ, lực lượng quân đội cũng đã tích cực giúp dân chống lũ. Lực lượng biên phòng tỉnh sẽ túc trực 24/24h trên địa bàn huyện Đức Thọ trong thời gian lũ lụt và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra.
Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, mưa lũ kéo dài, các tỉnh miền Trung cần tiếp tục đề phòng lũ quét, sạt lở ở vùng núi, ngập lụt sâu ở đồng bằng… Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về những hậu quả nặng nề mà các tỉnh miền Trung đang phải hứng chịu trong đợt thiên tai khắc nghiệt này.
* Chiều 17-10, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hà Nội đã tiếp nhận hàng hóa gồm 200 chiếc áo Jacket, tổng giá trị 40 triệu đồng, từ Công ty SJ Global (Hàn Quốc), ủng hộ người dân miền Trung khắc phục hậu quả cơn bão số 10 và 11. * Ngày 17-10, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An đã thăm và trao tặng các vật dụng thiết yếu (giá sách, dụng cụ dạy học, đồ chơi, thiết bị vui chơi ngoài trời) cho 3 trường mầm non: Quỳnh Vinh A, Quỳnh Thiện và Mai Hùng ở thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An nhằm giúp các trường khắc phục hậu quả cơn bão số 10 vừa qua. Hoàng Cường |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.