Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tan hoang những cánh rừng phòng hộ Ba Tơ

Thanh Nhị| 09/04/2016 07:10

(HNM) - Một tuần lang thang trên những vùng

Những cây gỗ bị triệt hạ ngay chân rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Liệt Sơn (Ba Trang, Ba Tơ, Quảng Ngãi).


Thậm chí của cả "tập đoàn" máy ủi, máy đào của dự án thủy điện quy mô lớn triển khai trên diện tích rừng phòng hộ, dẫn đến tình trạng trong số 20.000ha rừng phòng hộ nơi đây, hằng năm có đến hàng chục héc ta "biến mất" khỏi bản đồ quy hoạch…

Thủy điện xâm hại rừng

Chúng tôi có mặt tại chân công trường thi công Thủy điện ĐắkRe (tổng vốn 2.300 tỷ đồng; diện tích chiếm đất trên địa bàn huyện Ba Tơ gần 29ha) thuộc thôn Gò Lăng, xã Ba Xa vào thời điểm UBND tỉnh Quảng Ngãi ký công văn dừng thi công thủy điện này vì chưa đủ thủ tục pháp lý theo quy định. Thế nhưng nơi đây, tiếng máy khoan, máy đào, san lấp vẫn ì ầm. Những thớ đất rừng phòng hộ tiếp tục bị xới tung lên. Những cây gỗ rừng tự nhiên hai người ôm tiếp tục bị bật gốc, gãy đổ, vùi lấp. Lán trại của lực lượng chức năng gồm Ban Quản lý rừng phòng hộ khu Tây và Hạt kiểm lâm Ba Tơ đang được di dời đến tận chân công trình. Cách đó chừng vài chục mét là bãi tập kết các phương tiện thi công thủy điện và lán trại công nhân. Chính những công nhân và dàn máy móc hiện đại này đã đánh bạt những cánh rừng phòng hộ, đốn hạ cây gỗ rừng tự nhiên, vùi lấp gỗ rừng trồng theo chỉ đạo của chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Thiên Tân khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Trọng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ khu Tây cho biết: "Chúng tôi cắt cử lực lượng kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh dừng thi công công trình. Khi nào chủ đầu tư xuất trình đầy đủ thủ tục pháp lý cho phép chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất chuyên dụng làm thủy điện mới cho thi công trở lại". Ghi nhận tại chân công trình, chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện ĐắkRe đã thi công một số hạng mục gồm: mặt bằng nhà máy, tuyến đường công vụ. Song theo cung cấp của cơ quan chức năng thì việc thi công nhiều hạng mục không đúng với hồ sơ thiết kế. Nghiêm trọng hơn, một số tuyến nhánh, trục đường mà dự án đã thi công, dài khoảng 1km đi qua rừng phòng hộ mà không có trong bản vẽ thiết kế.

Dự án thủy điện, dù chưa có đầy đủ điều kiện, thủ tục thi công nhưng chủ đầu tư Thủy điện ĐắkRe đã đưa công nhân và máy móc vào bạt rừng, san lấp đường phục vụ thi công thủy điện từ cuối tháng 2-2016. Trong đó có cả đất rừng trồng của dân và rừng phòng hộ thuộc Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững tỉnh Quảng Ngãi (JICA 2). Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã ký công văn yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân tạm dừng việc thi công các hạng mục công trình. Thời gian dừng là vô thời hạn, cho đến khi đầy đủ thủ tục mới được phép thi công trở lại.

Chưa hết xót xa khi rừng già khu Tây Ba Tơ bị nhổ gốc, vùi chôn vĩnh viễn dưới đất, đá vô tri để mở đường phục vụ dự án Thủy điện ĐắkRe, thì câu chuyện về triệt phá rừng phòng hộ ở khu Đông Ba Tơ để trồng keo làm chúng tôi không khỏi day dứt. Tính riêng địa bàn xã Ba Khâm, Ba Trang, từ tết Bính Thân đến nay đã có hơn 20ha rừng bị phá để trồng keo. Việc ra quân nhổ bỏ cũng gây khá nhiều tốn kém công sức. Ngày 29-3, 60 người dân xã Ba Khâm đã được huy động cùng một lúc nhổ bỏ hơn 5,4ha cây keo trồng trái phép.

Điều khó hiểu là số diện tích rừng phòng hộ bị lấn chiếm để trồng keo xảy ra liên tục, với diện tích khá lớn, song việc truy tìm đối tượng để xử lý đến nay vẫn chưa có kết quả. Sau một vụ phá rừng, UBND các xã Ba Trang, Ba Khâm phát công văn "Tìm đối tượng phá rừng trái pháp luật" với nội dung "... "Ai là người phá diện tích rừng… thì đến UBND xã để làm việc. Trong thời gian 30 ngày, nếu không có ai nhận thì UBND xã Trang sẽ xử lý theo pháp luật". Và cho đến nay, thực tế thông báo này đã không mang lại hiệu quả gì bởi chưa có ai "tự nguyện đến làm việc với xã" để nhận mình là đối tượng phá rừng!

Những cánh rừng "rỗng ruột"!

Rừng Ba Tơ bị phá với diện tích gia tăng từng ngày là điều dễ nhìn thấy. Trong khi đó, lại xuất hiện những cánh rừng còn đủ diện tích nhưng gỗ rừng đã không còn. Rừng rỗng ruột! Trực tiếp vào tận vạt rừng, đến từng gốc cây bị đốn hạ mới thấy hết thảm cảnh rừng đang "chảy máu" đến đau lòng bởi bàn tay lâm tặc...

Chúng tôi vượt lòng hồ Liệt Sơn vào một buổi sáng cuối tháng 3 đúng vào mùa phát rẫy. Vừa cầm lái, anh Sơn - người chèo ghe giúp chúng tôi vượt hồ vừa kể rằng: Nhiều vụ bắt quả tang "lâm tặc" đang vận chuyển gỗ nhưng lực lượng chức năng cũng đành phải dùng rựa băm cho nát gỗ rồi thả chìm xuống lòng hồ, vì đường khó không thể nào đưa gỗ về điểm tận kết. Nghe mà xót lòng...

Qua khỏi lòng hồ, chúng tôi xuống điểm đầu của con đường mòn dẫn về làng Đồng Lớn, thôn Nước Đang, xã Ba Trang. Dọc đường tìm lối về làng Đồng Lớn, chúng tôi thấy rất nhiều xe máy được giấu khá kỹ vào lùm cây. Những chiếc xe không biển số, chỉ có bộ khung nhưng trên yên xe dàn sắt, cây gỗ nhỏ cột rất chắc chắn. Người đàn ông chăn trâu bên bờ hồ bảo với chúng tôi rằng: Đó là xe đi rừng lấy gỗ đấy!

Làng Đồng Lớn nằm lọt thỏm trong rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Liệt Sơn. Đường đi lại rất khó khăn và quanh làng rất nhiều xe máy đã được "độ, chế". Gỗ rừng xả bỏ ngổn ngang, "vô chủ". Chắc chắn những "con xe ấy" sẽ sẵn sàng nổ máy "cõng" theo những khúc gỗ kia bất cứ lúc nào. Dừng chân tại đây hồi lâu, chờ đợi một ai đó xuất hiện. Nhưng tuyệt nhiên không một bóng người. Nhiều ngôi nhà không chủ, cửa cài then im ỉm. Phía dưới sàn nhà là những thanh gỗ đã xẻ thành từng miếng. Tôi lên mỏm đồi cao nhất của làng, phóng mắt về phía con suối sát chân rừng phòng hộ, nhiều thanh gỗ mới cưa bỏ ngổn ngang. Gỗ chưa kịp về làng...

Từ làng Đồng Lớn, vượt 4km băng qua rừng phòng hộ về làng Đèo Ải. Đây cũng là ngôi làng nhỏ với 10 hộ dân dựng nhà sống sát chân rừng phòng hộ. Tất cả các hộ dân này đều nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng theo chương trình 30a nhưng khi được hỏi những cây gỗ mới xẻ nằm ở bìa con suối trước nhà là ai đã đốn chặt, người làng đều lắc đầu hai chữ "u - i" (không biết - PV). Con đường xương cá về trung tâm xã Ba Trang phải xuyên qua rừng phòng hộ hơn 13km. Đường đi vô cùng khó khăn, càng đi sâu vào rừng, càng thấy chẳng còn cây gỗ to nào nữa. Những gốc cây to tướng với lát cắt ngang còn trơ lại. Giữa đường, gặp các cán bộ kiểm lâm địa bàn, chúng tôi đưa cho họ xem hình ảnh vừa ghi được, họ vội vã lên xe bủa về phía ấy.

Một tuần lang thang trên những vùng "trọng điểm" của rừng phòng hộ Ba Tơ để ghi lại những câu chuyện xót lòng, chúng tôi biết chắc đây không phải là những diễn biến cuối cùng của tình trạng phá rừng. Hành vi phá rừng từ lén lút đến công khai, từ nhỏ lẻ đến cả tập đoàn máy móc đào xúc, phải được xử lý nghiêm theo luật định. Khi chúng tôi kết thúc bài viết này, những lán trại giữ rừng đặt ngay chân công trình Thủy điện ĐắkRe đã bị các đối tượng chưa rõ phá nát. Việc điều tra, xử lý là thách thức không nhỏ với chính quyền, các ngành chức năng huyện Ba Tơ và tỉnh Quảng Ngãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tan hoang những cánh rừng phòng hộ Ba Tơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.