(HNMO)- Một bạn đọc
Thí sinh ào ạt rút hồ sơ trước thời điểm nước rút. Ảnh: Thanh niên. |
Vất vả hơn nhưng ít rủi ro, nhiều cơ hội
Tại một buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc do Báo điện tử Dân trí tổ chức sáng nay (14/8) về đổi mới giáo dục và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nhận được nhiều câu hỏi về những khó khăn, vất vả mà các HS đang gặp phải trong cuộc đua nộp và rút hồ sơ đăng ký xét tuyển
Nhiều phụ huynh có con xét tuyển vào ĐH phản ánh về tâm trạng lo lắng, mệt mỏi gặp phải với cách đổi mới năm nay bởi liên tục phải theo dõi thông tin từ phía các trường xem tình hình nộp hồ sơ thế nào.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích về cách tuyển sinh của năm nay khác với cách tuyển sinh của các năm trước.
"Những năm trước tuyển sinh, học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường trước kỳ thi, khi chưa có thông tin về kết quả thi của mình cũng như tương quan của các học sinh khác nên việc đăng ký với tỷ lệ may rủi rất lớn.
Năm nay, học sinh đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm và Bộ đã công bố các số liệu điểm của các khối thi cùng với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Như vậy, các cháu có đầy đủ thông tin để cân nhắc lựa chọn, thay đổi nguyện vọng để vào được trường mình có khả năng đỗ.
Đây là một sự thay đổi lớn theo hướng tạo điều kiện cho các cháu chủ động tự cân nhắc quyết định trường mình lựa chọn. Việc làm này, thí sinh phải tự tìm hiểu và cập nhật thông tin từ các trường nên vất vả hơn nhưng ít rủi ro, cơ hội trúng tuyển cao hơn. Tránh trường hợp điểm cao mà trượt đại học.
Qua việc này cũng giúp các cháu nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, làm cho các cháu trưởng thành hơn" - Bộ trưởng khẳng định.
Để hỗ trợ học sinh trong cách xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các trường tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh để các học sinh và phụ huynh nắm rõ hơn quy định của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, các nhà trường cũng có nhiều buổi tư vấn cho học sinh đăng ký vào trường.
"Nhìn vào cách tuyển sinh năm nay, cá nhân cháu cảm thấy còn tồn tại nhiều bất cập. Việc học sinh nộp hồ sơ sau khi biết điểm, lo lắng, túc trực từng ngày để theo dõi thứ tự của mình, cuộc đua nộp-rút hồ sơ như vậy theo cháu là đang gây ra một cuộc cạnh tranh mang tính ăn thua, giống như chứng khoán.
Việc tuyển sinh như vậy dường như đang làm học sinh bị quay cuồng trong vấn đề chọn trường, dẫn đến tình trạng không đỗ trường này thì ta chuyển sang trường khác. Rất mong năm sau Bộ Giáo dục cho học sinh đăng ký trường NV1 trước khi thi giống như cách tuyển sinh cũ vì như vậy sẽ tuyển được người có đam mê ngay từ ban đầu" - một độc giả "than" với người đứng đầu ngành giáo dục.
Vẫn khẳng định quan điểm về công tác tuyển sinh năm nay nhằm tạo cơ hội đỗ ĐH cho các thí sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu quan điểm, các thí sinh có thể không sử dụng các cơ hội hỗ trợ nói trên, chỉ đăng ký xét tuyển vào 1 trường và chờ công bố kết quả như những năm trước, tùy vào quyền lựa chọn của thí sinh.
Bộ khuyến khích thí sinh cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình. Để tận dụng lợi thế đó, các thí sinh sẽ phải vất vả hơn.
Nỗ lực để chia sẻ khó khăn với HS vùng sâu, vùng xa
Trước ý kiến của độc giả về việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho việc xét tuyển đơn giản, nhanh gọn hơn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng việc ứng dụng CNTT- Truyền thông (ICT) trong giáo dục và đào tạo là xu hướng tất yếu và thực tế ngày càng được đẩy mạnh trong thực tiễn giáo dục và đào tạo của Việt Nam. ICT cũng đã ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các kì thi kiểm tra, đặc biệt là trong kì thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, để áp dụng ICT thành công với hiệu quả cao, ngoài yếu tố con người thì kết cấu hạ tầng ICT rất quan trọng, có lúc đóng vai trò quyết định. Thực tế hiện nay, kết cấu hạ tầng ICT của các trường ĐH, CĐ Việt Nam là rất không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả các thí sinh, phụ huynh trong cả nước. Đặc biệt, nếu các tác vụ này diễn ra trong cùng một thời điểm. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền khác nhau nên điều kiện tiếp cận với ICT còn hạn chế nên chưa thể triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống.
Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH, CĐ có đủ điều kiện thì triển khai hình thức đăng ký trực tuyến qua mạng. Hiện nay có nhiều trường sử dụng hình thức này.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, việc ứng dụng ICT trong tuyển sinh sẽ ngày một sâu rộng hơn hướng tới có thể tin học hóa hầu hết các khâu trong quá trình tuyển sinh.
Các thí sinh vùng sâu, vùng xa được tạo điều kiện để tra cứu thông tin |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, để giúp học sinh ở các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện hạ tầng kỹ thuật CNTT còn hạn chế, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, chỉ đạo các sở giáo dục, trường THPT cập nhật thông tin tuyển sinh phổ biến tới các cháu. Một số cơ quan báo chí liên tục cập nhật các thông tin xét tuyển cho các cháu, tạo điều kiện cho các cháu thay đổi nguyện vọng ngay tại địa phương.
Về vấn đề này, cũng tại buổi giao lưu, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Giáo dục cũng chia sẻ: Đảng và Nhà nước và Bộ GD-ĐT cùng các thầy cô giáo hiểu và chia sẻ với những khó khăn thực tế ở các vùng miền hiện nay. Chính vì vậy, các chế độ ưu tiên cũng là một phần động viên các thí sinh ở vùng khó.
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT với các hình thức khác nhau để cung cấp thông tin về tuyển sinh cho các em. Chẳng hạn, yêu cầu các trường THPT mở hệ thống phòng máy tính kết nối mạng để các cháu có thể sử dụng tra cứu nhằm nắm bắt thông tin. Nhiều trường THPT đã in ra giấy các thông tin tuyển sinh của các trường và chuyển đến cho các thí sinh. Tất cả những việc làm này là sự cố gắng của các nhà trường, thầy cô giáo nhằm chia sẻ những khó khăn đối với những thí sinh vùng khó.
Nỗ lực này cũng chưa thể giải quyết hết tất cả những khó khăn của các thí sinh. Để tận dụng cơ hội của mình, các cháu cũng cần chủ động với những cách thức phù hợp để tận dụng hết những điều kiện thuận lợi mà mình có thể có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.