Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tận dụng cơ hội từ trong thách thức

Tuấn Kiệt| 21/12/2014 04:06

(HNM) - Giá dầu thế giới đang nằm ở mức thấp kỷ lục. Vì vậy đã có nhiều ý kiến lo lắng nguồn thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Dĩ nhiên, với một quốc gia mà nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô chiếm tới 10% GDP như Việt Nam thì nguồn thu này bị giảm sẽ là một tác động đáng kể đến nền kinh tế. Rủi ro về giá dầu giảm tác động đến hụt thu ngân sách là điều khó tránh, mà thiệt thòi này cũng không khó kiểm đếm, nếu chỉ căn cứ từ xuất khẩu dầu thô.

Tuy nhiên, cần thấy rằng giải bài toán lợi ích từ giá xăng dầu giảm phải đặt trong tình thế tổng thể và dài hạn, chứ không nên chỉ nhìn trong tình huống ngắn hạn. Điều dễ nhận thấy nhất chính là việc giá dầu sụt mạnh thời gian gần đây đã giúp thúc đẩy các nền kinh tế của Châu Á, khiến các chính phủ có thể giảm bớt phần trợ giá xăng dầu gây tốn kém. Ở một góc độ khác, giá dầu hạ cũng làm giảm áp lực chi trả trong các nền kinh tế lệ thuộc vào dầu nhập khẩu trước bối cảnh lãi suất ngân hàng trên thế giới dự kiến sẽ tăng cao trong năm 2015.

Lâu nay, ở trong nước, cứ mỗi lần giá xăng dầu tăng là kéo theo việc tăng giá hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu khác. Hay nói cách khác, cứ mỗi lần tăng giá xăng dầu là lập tức giá cả hàng hóa, dịch vụ lại tăng đột biến; khiến người tiêu dùng lo lắng, còn nhà quản lý thì vất vả lo kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng. Như vậy, chỉ nhìn từ góc độ này thôi thì hẳn là việc giá dầu giảm sẽ mang lại những lợi ích đáng kể. Ít nhất đó cũng là những lợi ích thấy được đối với người tiêu dùng.

Vậy câu chyện đặt ra là vì sao lại có quan điểm lo lắng về thiệt hại khi giá dầu giảm? Tuy rằng lợi nhuận từ xuất khẩu dầu thô bị ảnh hưởng là điều đương nhiên, nhưng hẳn là việc một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lập tức "kêu lỗ" và yêu cầu "giữ giá" cũng đã khiến bao người hồ nghi. Tại sao chúng ta không nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ được lợi nhiều hơn là thiệt hại từ việc giá dầu thế giới giảm? Chỉ cần nhìn từ một thực tế khách quan rằng, giá nhiên liệu thiết yếu giảm sẽ kéo theo các sản phẩm dịch vụ có sử dụng nhiên liệu xăng dầu chắc chắn sẽ giảm. Mà một khi chi phí sản xuất giảm sẽ khiến giá thành hàng hóa thấp hơn.

Có một điều cũng khiến nhiều người băn khoăn là việc Bộ KH-ĐT đặt mục tiêu sản lượng khai thác tăng thêm 1 triệu tấn dầu trong năm nay. Câu hỏi đặt ra vì sao phải tăng sản lượng? Nếu việc đó chỉ là để làm đẹp con số tăng trưởng kinh tế thì nhất thiết phải xem lại. Ít nhất là dù xuất khẩu chịu thiệt, nhưng nhập khẩu hưởng lợi, nhất là nhiều nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước sẽ giảm. Điều này chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho nền kinh tế.

Hiện nay, giá xăng dầu trong nước lên xuống như thế nào đều nằm trong chủ đích của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền. Thực tế điều này đôi khi có sự khác biệt khá lớn với giá thị trường thế giới. Đã không ít lần giá dầu thế giới giảm, nhưng giá cả sản phẩm, dịch vụ trong nước lại không giảm theo. Chính điều này đã gây những tác hại không nhỏ với nền kinh tế. Đó là chưa kể việc giá dầu thế giới hiện tại mới chỉ giảm trong thời gian ngắn mà chúng ta chưa thể biết chính xác chúng sẽ tăng trở lại vào lúc nào. Do đó, xem ra chúng ta chưa hoàn toàn có đủ cơ sở để lo lắng một sự tác động tiêu cực từ việc giá dầu thế giới giảm.

Ông Andrew Colquhoun, Giám đốc kỳ cựu của Tổ chức đánh giá Fitch ở Hông Kông, nhận định: Đa số các nền kinh tế Châu Á sẽ được hưởng lợi nhờ sự sụt giá này… Như vậy, điều quan trọng là cơ quan quản lý cần "biết thích nghi" với mỗi tình huống giá dầu tăng hoặc giảm, chứ đừng vội vàng kết luận "lợi" hay "hại" dẫn đến những định hướng không có lợi cho nền kinh tế quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng cơ hội từ trong thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.