(HNM) - "… Tân Cương lắm chuyện lạ lùng/Mặt trời đi ngủ đã chừng nửa đêm/Đàn ông thích "đội mũ xanh"/Giường ngủ thì vứt chềnh ềnh ngoài hiên…". Đó chỉ là một phần bài thơ về những sự lạ ở mảnh đất khắc nghiệt, huyền bí Tân Cương (Trung Quốc) mà tôi chép vội khi đến Tân Cương.
Ở Tân Cương, "mặt trời không muốn ngủ", bởi mùa hè, khoảng 11 giờ đêm trời mới tối. Khí hậu Tân Cương khắc nghiệt, mùa đông thường lạnh tới âm 20 - âm 50 độ C. Mùa hè, nhiệt độ tại nơi nóng nhất là Hỏa Diệm Sơn có khi lên đến 49,6 độ. Nhiệt độ mặt đất là 89,2 độ C, nóng tới mức du khách đặt quả trứng gà sống vào đây 5-7 phút tự chín. Thế nên, lịch làm việc của người Tân Cương cũng rất khác thường, mùa hè bắt đầu từ lúc… 4 giờ chiều và giờ tan tầm là khoảng 9-10 giờ tối.
Nắng nóng và khô hạn gây khó khăn cho người Tân Cương, song cũng đã tạo ra sức hấp dẫn, sự độc đáo cho vùng đất này. Số du khách đến Hỏa Diệm Sơn gần đây ngày càng đông, bởi họ muốn trải nghiệm cuộc sống ở nơi khí hậu nóng vào bậc nhất thế giới; muốn chứng kiến nơi thầy trò Đường Tăng đã đi qua, thăm những di tích Phật giáo độc đáo đời Đường (khoảng thế kỷ thứ VII) được bảo tồn khá nguyên vẹn. Khí hậu nắng nóng, hầu như không có mưa giúp Tân Cương bảo tồn được những thành đất cổ có niên đại gần hai nghìn năm và tòa tháp xây bằng đất, cao 38m, của một quận vương cách đây khoảng 300 năm.
Đến Tulufan, một địa danh nổi tiếng ở Tân Cương, chúng tôi được chứng kiến công trình thủy lợi độc đáo nhất thế giới, hơn hai nghìn năm tuổi. Đó là hệ thống giếng lấy nước Kaer, được đào thủ công, gần giống địa đạo ở Việt Nam, có chiều dài khoảng 5.000km. Đây là một trong ba công trình cổ vĩ đại nhất của Trung Quốc, ra đời do toàn bộ khu vực Tulufan rộng khoảng 600 nghìn kilômét vuông phải sống nhờ nguồn nước từ băng tan trên đỉnh núi Thiên Sơn đổ xuống. Để lấy được nước, người ta phải đào các giếng ngầm như địa đạo để dẫn nước. Mỗi giếng dài khoảng 5-15km, nơi sâu nhất cách mặt đất khoảng 80m, qua nhiều đời thành công trình vĩ đại như hôm nay.
Câu thơ "Đàn ông thích đội mũ xanh" có hàm ý là "bị vợ cắm sừng". Nhưng ở Tân Cương, đàn ông thích "đội mũ xanh" với khao khát có nước, có màu xanh cuộc sống. Nguyên do của việc "giường ngủ thì vứt chềnh ềnh ngoài hiên" là vì mùa hè nóng quá, dân Tân Cương không thể ngủ trong nhà.
Trời cho Tân Cương sa mạc khô cằn, nhưng lại phú cho "vàng đen" trong lòng đất là dầu khí và lượng than chiếm tới 40% trữ lượng toàn Trung Quốc. Đây còn là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc, nơi hội tụ, giao lưu của các nền văn hóa lớn Á - Âu… trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.