Giáo dục

Tâm thế người thầy trong kỷ nguyên số

Ngô Phương Thảo 16/09/2023 - 14:25

Mặc dù xuất hiện từ những năm 1960 và những lợi ích/ tác động của nó đã được dự báo từ vài thập niên gần đây, nhưng phải đến cuối năm 2022, khi ChatGPT, một sản phẩm của “làn sóng thứ 3 về AI” ra đời, thì cả thế giới mới thực sự chấn động.

AI đã “gõ cửa” từng nhà! Và dạy và học thế nào trong kỷ nguyên AI chính là một câu hỏi lớn không chỉ riêng cho các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, mà còn là câu hỏi của phụ huynh, doanh nghiệp sử dụng lao động và rộng hơn là các nhà hoạch định chính sách.

cntt1.jpg
Môi trường số giúp tăng tính hấp dẫn, nâng cao hiệu quả dạy và học cho cả thầy và trò. Ảnh: Cao Tùng

AI và giáo viên - mối quan hệ mới trong giáo dục kỷ nguyên số

Theo báo cáo của SuperCharger, 66% các công nghệ giáo dục (Edtech) hiện nay đã “Go AI” (ứng dụng AI để thiết kế sản phẩm công nghệ giáo dục). Trên thế giới, hằng tuần đều có sản phẩm công nghệ giáo dục ứng dụng AI ra đời. Hàng loạt công cụ ứng dụng AI được tạo ra với tốc độ chóng mặt để thực hiện những công việc tưởng chừng xưa nay chỉ con người mới có thể đảm đương.

Nghiên cứu phân cấp ứng dụng AI vào giáo dục của EY-Parthenon (một chi nhánh của Công ty tư vấn chiến lược toàn cầu Ernst & Young) vào năm 2021 cho thấy: Công việc giảng dạy sẽ gồm 5 bước chính, bao gồm Chẩn đoán (Di-agnose) - Lên kế hoạch (Plan) - Dạy (Teach) - Luyện tập (Practice) - Đưa ra đánh giá phản hồi (Feedback). Hiện nay, AI về cơ bản đã thực hiện được cả 5 bước trên, và những ứng dụng có khả năng đảm trách từ bước 3 trở lên thì được gọi là “Học tập thích ứng bằng AI”.

Ví dụ phổ biến hàng đầu có lẽ là ChatGPT. Với năng lực của một mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing - NLP) mạnh mẽ, công cụ được OpenAI phát triển này được cho là có khả năng tóm tắt và giải thích nhiều khái niệm kiến thức phức tạp, miễn là người dùng cung cấp đầy đủ thông tin chính xác ở đầu vào qua câu lệnh.

Một số công cụ khác như Khanmigo - dự án phát triển bởi trang Khan Academy trên nền công nghệ của GPT-4, được kỳ vọng có thể giúp dạy học sinh học toán, các môn khoa học và học viết một cách hiệu quả; Cognii, một công ty ở Boston (Mỹ) cung cấp giải pháp học kèm 1-1 với AI đóng vai trò hướng dẫn học sinh nắm bắt kiến thức qua những câu đối thoại như với giáo viên thật; Elsa - một sản phẩm nổi tiếng được phát triển bởi người Việt, cũng đã có thể đóng vai trò luyện nói tiếng Anh hiệu quả cho hàng triệu người học trên toàn cầu.

Còn rất nhiều giải pháp khác đã và đang được phát triển, thậm chí có những công cụ có thể tạo ra video có nhân vật giảng dạy hoàn toàn bằng AI. Chính những chuyển biến mạnh mẽ này đã khiến nhiều nhà giáo dục bắt đầu lo ngại về khả năng một ngày nào đó vai trò của giáo viên sẽ bị thay thế hoàn toàn.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động giáo dục và cả những người làm công nghệ hàng đầu thế giới đều bất đồng với ý kiến này. Bill Gates - nhà sáng lập Mi-crosoft, dù đã từng nhận định rằng AI sẽ sớm có thể trở thành “một người thầy tốt như con người”, cũng khẳng định AI sẽ không bao giờ thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên.

cntt1a.jpg
AI không thể thay thế vai trò của người thầy.

Vì sao AI không thể thay thế người thầy?

Một điều rõ ràng là AI không thể thay thế được tầm quan trọng của sự tương tác giữa con người với con người trong giáo dục. Cũng trong mô hình của EY-Parthenon được đề cập phía trên, công tác giáo dục còn một phần cuối vươn ra ngoài chữ “Dạy” (Teach), đó chính là “Bồi đắp” (Cultivate). “Bồi đắp” ở đây có thể hiểu chính là việc truyền động lực, trau dồi đạo đức và rèn luyện tính cách.

Chỉ giáo viên mới có thể hiểu được cảm xúc, động lực và những khó khăn không thể nói thành lời của học sinh. Một người giáo viên giỏi còn là người khơi nguồn cảm hứng cho học sinh, tạo sự hứng thú và đam mê tìm tòi học hỏi, phát triển bản thân. Môi trường sư phạm với sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, và giữa học sinh với học sinh, chính là cái nôi hình thành và bồi dưỡng nhân cách mỗi người, song song với gia đình và xã hội. Những yếu tố này đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một trải nghiệm học tập thực sự ý nghĩa.

Do đó, thay vì thay thế giáo viên, AI sẽ là người trợ thủ đắc lực giúp giải quyết những vấn đề cố hữu của giáo dục: Làm sao vừa cá nhân hóa, vừa đảm bảo đủ nguồn lực phổ cập giáo dục đến nhiều người?

Chúng ta có thể đơn giản nghĩ AI chỉ là một công cụ “tự động hóa” một số thao tác hiện tại của giáo viên như soạn bài giảng hay chấm bài. Thực tế, đây chỉ là khởi đầu. Trở lại với mô hình 5 bước của EY-Parthenon, chúng ta có thể thấy AI đang được ứng dụng như sau:

Chẩn đoán: Bằng việc tiếp nhận và xử lý những thông tin về người học, bao gồm thông tin nhân khẩu học (giới tính, độ tuổi...), kết quả làm bài, tương tác trên phần mềm và nhiều thông số khác, AI có thể đánh giá nhu cầu học tập của học sinh đó là gì.

Lên kế hoạch: AI sẽ giúp giáo viên lên kế hoạch giảng dạy, soạn ra lộ trình học riêng biệt, giáo án và chuẩn bị cả trang thuyết trình, đặc biệt là dựa trên những thông tin “Chẩn đoán” bên trên để đảm bảo tính cá nhân hóa.

Dạy: AI có thể trợ giúp cho việc dạy học của giáo viên thông qua những can thiệp đến từng học sinh. Chi tiết hơn, AI có thể phân tích những điểm mà học sinh chưa hiểu, đưa ra giải thích, ví dụ và thậm chí những bài giảng thông qua dạng đối thoại hoặc nội dung tạo bởi AI.

Luyện tập: AI có thể lựa chọn câu hỏi trong kho đề hoặc tự sản sinh câu hỏi sao cho phù hợp với trình độ và nhu cầu của học sinh, sau đó tự chấm bài thay cho giáo viên và phân tích kết quả rồi chia sẻ cho giáo viên tham khảo.

Đưa ra đánh giá phản hồi: Dựa trên kết quả từ những bước phía trên, AI có thể đưa ra phản hồi về năng lực học tập, những khuyến nghị về chỗ cần cải thiện và những gì mà từng học sinh cần học tiếp. Giáo viên, từ đó, có thể đưa ra phản hồi chi tiết cho học sinh.

Ánh xạ vào những ứng dụng thực tế, có thể kể tới ChatGPT, vốn có khả năng tạo ra cả bài giảng hay vô số các loại học liệu đa dạng ở định dạng chữ viết (text) chỉ bằng những câu mô tả như lời nói thường nhật. Công cụ tạo trang trình chiếu Microsoft PowerPoint hay Canva cũng đã tích hợp AI để có thể đẩy nhanh tiến trình tạo ra những bài giảng với minh họa sinh động, hấp dẫn.

Hay có thể nhắc đến Kyons - Nền tảng học toán thích ứng giúp quản lý bài tập về nhà và luyện thi cá nhân hóa cho từng học sinh, đảm bảo mỗi người học đều có bài tập và sự hỗ trợ tự động theo sát trình độ của riêng mình, đồng thời đưa ra những báo cáo và khuyến nghị hỗ trợ giáo viên trong việc lên kế hoạch giảng dạy.

Như vậy, với khả năng của mình, AI có thể cho phép người dạy vừa thỏa sức sáng tạo nội dung với độ đa dạng gấp nhiều lần cách làm truyền thống, vừa có thể theo dõi tiến trình học tập của từng học viên một cách chi tiết, từ đó đưa ra phương pháp dạy phù hợp hơn, với rất ít công sức và thời gian.

Trên cơ sở đó, giáo viên không còn phải mất nhiều thời gian để soạn giáo án phức tạp hay miệt mài chấm bài và phân tích. Thay vào đó, họ có thể tập trung vào việc hỗ trợ và tương tác trực tiếp với học viên. Và như vậy, mục tiêu vừa đảm bảo cá nhân hóa, vừa đảm bảo phổ cập giáo dục với nguồn lực hiện hữu là hoàn toàn có thể đạt được.

Ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông số Việt Nam, cho rằng: “Với AI, người thầy không còn là “thợ dạy” nữa. Giờ đây, người thầy có thể trở thành một “kiến trúc sư” cùng học trò kiến tạo bức tranh mới. Trọng tâm kỹ năng giáo dục với ứng dụng AI sẽ chuyển từ nắm kiến thức sang tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, hợp tác, sáng tạo, hiểu biết về kỹ thuật số, trí tuệ cảm xúc và nhận thức văn hóa. Điều này thúc đẩy việc học tập suốt đời và chuẩn bị cho học sinh chuyển đổi nghề nghiệp”.

Không ai có thể đứng ngoài AI và giáo dục thế giới đang đi rất nhanh trong ứng dụng AI. Việc sẵn sàng ứng dụng AI đồng thời sẽ góp phần giải phóng sức lực cho người thầy bằng cách giảm thiểu những công việc lặp đi lặp lại và tốn nhiều thời gian. Thay vào đó, người thầy qua việc ứng dụng AI hiệu quả sẽ có đủ không gian, thời gian cho sự sáng tạo, sự thấu cảm, sự chú tâm và tình thương. Đó chính là tương lai của giáo dục trong kỷ nguyên số.

Ngày 29-7 vừa qua, tại tỉnh Quảng Nam, trong khuôn khổ Chương trình Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, với sự bảo trợ của Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam - Trung tâm Thông tin Truyền thông số đã tổ chức Diễn đàn “AI và tương lai của giáo dục: Cơ hội nào cho Việt Nam”.

Với thông điệp “Nhận thức đúng - đủ về tiềm năng, giới hạn của AI để giải phóng sức lực và hỗ trợ giáo viên sáng tạo trong bối cảnh AI đang dẫn dắt thế giới”, diễn đàn bao gồm các tham luận như: “Chủ trương, định hướng của Chính phủ về ứng dụng và phát triển AI tại Việt Nam”; “AI trong giáo dục - Xu hướng và thành tựu thế giới”; “Tâm thế và năng lực nhà giáo trong kỷ nguyên AI”; “Hệ thống học thích ứng sử dụng AI giúp cá nhân hóa và nâng cao hiệu quả dạy học”...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tâm thế người thầy trong kỷ nguyên số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.