Giáo dục

Đáp ứng mong mỏi của Người

Phan Thế Hải 16/09/2023 14:23

Tháng 9-1945, ngay sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong bộn bề công việc của một nhà nước non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường.

Điều này cho thấy, Người rất coi trọng việc học tập của thế hệ trẻ và coi đó là mấu chốt trong việc xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng cường.

hs.jpg
Giờ học tiếng Việt của các em Trường Tiểu học Tứ Liên. Ảnh: Vũ Minh

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Những lời lẽ chân thành, giản dị của Người đã chạm vào con tim của học sinh, sinh viên qua nhiều thế hệ. Không mấy chính khách trên thế giới có được những lời ngắn gọn, tha thiết đi vào lòng người và sống mãi với thời gian như thế.

Trong suốt sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc tới công tác giáo dục thế hệ trẻ, tư tưởng và tình cảm của Người đã để lại những bài học thực tiễn còn nguyên giá trị cho tới tận ngày nay và mãi về sau.

Từ khi còn là một thầy giáo ở trường Dục Thanh rồi bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, để rồi đầu năm 1941, Bác về Pác Bó trực tiếp tổ chức lực lượng, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền..., cả cuộc đời của Người gắn liền với việc đào tạo thế hệ trẻ.

Người không chỉ nêu lên vai trò hết sức quan trọng của học sinh, sinh viên mà còn nhấn mạnh trọng trách khó khăn nhưng vinh quang của các em, đó là bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Để làm được điều đó, các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam cần ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức sống; học để biết, học để làm người, học để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên con đường kiến tạo, hiện đại hóa đất nước.

Khi nói về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên". "Thanh niên phải là rường cột của nước nhà”.

Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7-5-1958, Bác nhấn mạnh: "Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng".

Bác chỉ rõ: "Dưới chế độ thực dân, phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi. Số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết. Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò là người chủ thì phải học tập. Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác nhau"; "Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”.

Tự học và học tập suốt đời

Trong suốt cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm, chăm lo với việc học tập và rèn luyện của thế hệ trẻ mà bản thân Người cũng tự mình nêu một tấm gương. Tự học tập và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục.

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (1947), Người viết: "Lấy tự học làm cốt". Ngày 21-7-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người dặn: "Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, Nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp Nhân dân".

Bác viết: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích đó thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Như vậy, quan niệm về học tập của Bác rất toàn diện: Học tập tri thức đi đôi với rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập nhằm hoàn thiện đạo làm người, nâng cao trình độ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; học để phục vụ lợi ích của nhân dân, Tổ quốc và cả nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán nghiêm khắc tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cho mình là giỏi nhất thiên hạ. Năm 1957, Người nói với lớp lý luận chính trị khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc: "Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập".

Năm sau, trong bài đăng trên tạp chí Học tập số 12, năm 1958, Bác viết: "Hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình là cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng và chỉ muốn làm thầy quần chúng".

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, thời gian mà Hồ Chí Minh được học ở trường lớp là không nhiều, Bác vẫn tự học là chính. Năm 1935, dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Người ghi vào phiếu lý lịch của mình như sau: "Trình độ học vấn: Tự học; ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Đức, Ý, Trung Quốc".

Hồ Chí Minh học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu các học thuyết, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Người biết và sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân, từ thực tiễn.

Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế giới. Phát biểu với sinh viên Trường Đại học công nghệ Bandung (Bandung Institute of Technology) trong chuyến thăm Indonesia năm 1959, Người nói, đại ý: Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường học. Cuộc sống, du lịch và làm việc là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và chính trị. Nó dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình; căm ghét áp bức, ích kỷ...

Nhờ việc tự học đó, người đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... để tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Đạo học của Hồ Chí Minh với thế hệ trẻ hôm nay

Chúng ta đang sống trong cơn lốc toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức. Trong cơn lốc đó, có rất nhiều học thuyết mới, tư tưởng mới về việc học được truyền bá thông qua các kênh truyền thông đa phương tiện nhưng chúng ta nhặt nhạnh được những gì là tinh hoa ở trong đó lại là chuyện khác.

Cùng với nạn suy thoái đạo đức, tham nhũng, vướng vào lao lý của không ít quan chức, một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ dễ bị cuốn vào các trò chơi điện tử và cuộc sống ảo trên mạng. Thậm chí bị cuốn vào những trò chơi đỏ đen mà quên hết việc tích lũy tri thức và kỹ năng sống có ích cho xã hội khiến nhiều người khủng hoảng niềm tin.

Trong vấn đề học tập, Hồ Chí Minh không chỉ nhắc nhở học sinh, sinh viên mà là thanh niên Việt Nam nói chung, Bác đã chỉ ra: "Làm nghề gì cũng phải học", và mục đích của việc học là để "nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân càng no ấm, vui tươi". Điều đó có nghĩa rằng, ngay cả với một bộ phận thanh niên không theo học đại học, cao đẳng thì việc học cũng luôn là việc hết sức quan trọng. Học từ các lớp dạy nghề, học từ cuộc sống, từ người đi trước, tự học... để nâng cao lối sống tích cực, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để ứng dụng được kiến thức vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế nhằm làm giàu cho bản thân cũng như xã hội.

Để thoát khỏi lối sống suy thoái, ích kỷ, Bác chỉ rõ: "... làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân đã”.

Học tập suốt đời và sẵn sàng dấn thân vì cộng đồng, vì dân tộc, đó là những tư tưởng lớn trong đạo học của Hồ Chí Minh. Thời thế có thể thay đổi nhưng tư tưởng của Hồ Chí Minh với học sinh, sinh viên vẫn giữ nguyên giá trị. Đó là hành trang rất quan trọng đối với mỗi học sinh, sinh viên trong chặng đường chinh phục và cống hiến cho xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng mong mỏi của Người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.