Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tam nông” đã chuyển mình mạnh mẽ

Nguyễn Mai| 15/03/2023 06:33

(HNM) - Năm 2022, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục gặt gái được nhiều thành công. Với sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chính sách hỗ trợ từ thành phố…, nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) ở Hà Nội đã có bước chuyển mạnh mẽ.

Hạ tầng giao thông đồng bộ tại xã Minh Cường (huyện Thường Tín). Ảnh: Mai Nguyễn

Tăng 38 xã nông thôn mới nâng cao so với kế hoạch

Xã Minh Cường (huyện Thường Tín) vừa được thành phố đánh giá đạt đủ điều kiện để công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2022. Ở Minh Cường có 4 tuyến đường trục xã, liên xã; 70 tuyến đường trục thôn, xóm và đường liên thôn, xóm đều được nhựa hóa, bê tông hóa, bảo đảm sạch sẽ, giao thông đi lại thuận tiện… Cũng tại đây, các nhà văn hóa thôn đều được xây dựng khang trang với khuôn viên rộng 2.500-3.000m2, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, vừa kết hợp làm khu thể thao phục vụ nhân dân rèn luyện sức khỏe… Đáng chú ý, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã huy động được gần 80 tỷ đồng tập trung cho các tiêu chí; trong đó, nhân dân đóng góp được hơn 18 tỷ đồng.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, riêng trong năm 2022, Hà Nội có thêm 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 38 xã so với kế hoạch đề ra), đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lũy kế đến năm 2022 là 111 xã. Về xã nông thôn mới kiểu mẫu, năm 2022, Hà Nội có thêm 15 xã đạt chuẩn, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn thành phố đến hết năm 2022 là 20 xã.

Đối với cấp huyện, năm 2022, Hà Nội có 3 huyện: Chương Mỹ, Mê Linh và Phú Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số đơn vị cấp huyện toàn thành phố đạt chuẩn lên 15/18 đơn vị. Trong số 3 huyện còn lại chưa đạt chuẩn, Ứng Hòa và Ba Vì đã đủ điều kiện để thành phố trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Huyện Mỹ Đức đã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ trình Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố để thẩm tra trong tháng 3-2023.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, hiện có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo bước chuyển mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn Thủ đô.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Có thể thấy, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người dân.

Nhiều năm nay, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội duy trì công tác kiểm tra tiến độ thực hiện tại các huyện, thị xã; họp giao ban hằng quý nhằm đánh giá tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch đề ra... HĐND thành phố cũng đã ban hành 2 nghị quyết bố trí vốn cho các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 và năm 2023. UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, địa phương thực hiện chương trình, ban hành 10 quyết định liên quan thúc đẩy các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới...

Bên cạnh sự chỉ đạo từ thành phố, các địa phương cũng đã quyết liệt triển khai, có các giải pháp, cách làm sáng tạo. Điển hình là huyện Thanh Trì, năm 2022 đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn của huyện lên 16/16 xã (đạt 100%), hoàn thành vượt kế hoạch và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện vẫn liên tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Chính vì vậy, khi Chính phủ và thành phố Hà Nội ban hành bộ Tiêu chí đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, áp vào thực tế, các xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đều cơ bản đạt chuẩn.

Đan Phượng cũng là huyện có kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, huyện đã có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đưa tổng số xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt 12/15 xã. Bí thư Chi bộ thôn 7, xã Trung Châu Hoàng Văn Yên cho biết, những thành quả đạt được từ phong trào xây dựng nông thôn mới làm cho nhân dân rất phấn khởi. Làng quê ngày càng khang trang, kinh tế phát triển, an ninh trật tự được giữ vững, đó là minh chứng khẳng định Nghị quyết của Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Tam nông” đã chuyển mình mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.