Công nghệ

Tầm nhìn mới cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Bảo Hân 28/11/2023 - 06:25

Vừa chính thức được chuyển giao từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị khoa học - công nghệ, giáo dục hiện đại mang tầm khu vực, có ảnh hưởng trực tiếp, to lớn đến tăng trưởng kinh tế và phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước.

hoa-lac.jpg
Một góc Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thạch Thảo

Cơ hội cụ thể hóa nhiều mục tiêu

Tại lễ tiếp nhận Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra ngày 24-11-2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, đây là điều kiện thuận lợi để thành phố cụ thể hóa mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nội dung: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc”.

Trong tham luận gửi tới hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra ngày 21-11, Tiến sĩ Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, xây dựng hệ sinh thái cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung xung quanh một cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo đã và đang chứng tỏ hiệu quả.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã đưa ra định hướng phát triển 2 vùng động lực Thủ đô là khu vực thành phố Bắc sông Hồng với các loại hình dịch vụ chất lượng cao và khu vực thành phố phía Tây - thành phố khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tại thành phố phía Tây, đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học, kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao; nơi tập trung trung tâm nghiên cứu, trường đại học, trung tâm thí nghiệm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, với chính sách ưu tiên để thu hút nhân lực chất lượng cao, cùng doanh nghiệp đến làm việc, sinh sống.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô thông tin: Khu công nghệ cao Hòa Lạc được định hướng phát triển theo mô hình mở, là hạt nhân xây dựng và thúc đẩy thành phố Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước.

Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo mô hình đô thị thông minh, góp phần xây dựng thành phố đổi mới sáng tạo Hòa Lạc.

Gỡ các nút thắt để phát triển

Tiến sĩ Hà Huy Ngọc phân tích, trong bối cảnh có sự dịch chuyển đầu tư giữa các khu vực, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nếu được tổ chức lại, phân cấp, phân quyền, có chiến lược đầu tư hấp dẫn, cùng với các thể chế đầu tư vượt trội, sẽ là điểm đến thu hút các dự án công nghệ cao vào Thủ đô Hà Nội.

“Để hiện thực hóa được điều đó, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần khắc phục các nút thắt từ nhu cầu cơ bản, như cung cấp nước sạch, giao thông công cộng, nơi ở, công trình công cộng và hoàn thiện hạ tầng đường nội bộ, hệ thống internet trung tâm, trung tâm dữ liệu…”, Tiến sĩ Hà Huy Ngọc nêu.

Chuyên gia này cũng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đó là ưu tiên hàng đầu đối với thu hút nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, thành phố cũng cần ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ưu đãi miễn thuế thu nhập cá nhân cho khoản đầu tư vốn vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Trong tham luận gửi tới hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Tiến sĩ Nguyễn Quang (Chương trình định cư con người Liên hợp quốc - UN Habitat) đề cập đến định hướng phát triển “làng trí thức”, một bộ phận cấu thành quan trọng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Theo đó, nơi đây sẽ trở thành thành phố xanh, sáng tạo và nhân văn với mục đích sử dụng hỗn hợp, quy mô đa dạng, cung cấp các dịch vụ nhà ở, hạ tầng và tiện ích giao thông, xã hội và sinh thái.

“Cần có quy hoạch cho những khu vực với mục đích sử dụng hỗn hợp, quy mô đa dạng, dự án nhà ở, văn phòng kinh doanh và dịch vụ thích ứng kịp với nhu cầu và thay đổi trong tương lai. Hơn nữa, việc phát triển bền vững với vai trò của thành phố xanh và công nghệ xanh cũng là rất cần thiết”, Tiến sĩ Nguyễn Quang nêu quan điểm.

UBND thành phố Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc giải phóng mặt bằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2024. Đồng thời, thành phố dành nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo đúng các định hướng phát triển đã đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tầm nhìn mới cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.