Công nghệ

Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Dấu ấn sau 1/4 thế kỷ

Trần Nhân 27/11/2023 - 07:14

Là khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước với vai trò tiên phong, dẫn dắt và lan tỏa, giúp đẩy mạnh, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình hình thành các khu công nghệ cao khác, sau 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, Khu công nghệ cao Hòa Lạc bước sang một dấu mốc phát triển mới.

phong-lab-cua-vien-thuc-pha.jpg
Phòng thí nghiệm của Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Khu công nghệ cao đầu tiên ở Việt Nam

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được hình thành từ cuối năm 1996 do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp chỉ đạo và chính thức được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12-10-1998.

Là dự án quan trọng được Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện và quản lý, ngay từ đầu, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng và phát triển theo mô hình một đặc khu khoa học - công nghệ cấp quốc gia với trọng tâm là gắn kết giữa khoa học và sản xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây chính là điểm khác biệt của Khu công nghệ cao Hòa Lạc với các khu công nghệ cao khác trong cả nước.

Sau 25 năm hình thành và phát triển, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản thiết lập được các thành tố quan trọng, có tính chất nền móng để xây dựng và phát triển thành công một khu công nghệ cao.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung, đến nay, khu đã thu hút được 111 dự án đầu tư (96 dự án trong nước và 15 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 111.500 tỷ đồng. Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Với 8 khu chức năng (khu giáo dục và đào tạo, khu nghiên cứu và triển khai, khu phần mềm, khu công nghiệp công nghệ cao, khu hỗn hợp, khu trung tâm, khu giải trí và thể dục thể thao, khu nhà ở) và các khu vực phụ trợ, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, thu hút được một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.

Sự có mặt của các trường đại học về công nghệ như: Đại học FPT, Đại học Việt - Pháp, Đại học Việt - Nhật, Đại học Văn Lang... bắt đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất, thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo... Các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu ứng dụng gắn trực tiếp với sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST), Trung tâm vũ trụ, Viện Đo lường, các trung tâm kiểm thử...) là nền tảng cho việc phát triển năng lực nội sinh nghiên cứu và phát triển, gắn kết nghiên cứu phát triển với sản xuất.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài (Hanwha, Nidec, Nissan Techno...), các doanh nghiệp lớn trong nước (Viettel, FPT, VNPT...) đã lựa chọn Khu công nghệ cao Hòa Lạc là địa bàn đầu tư trọng điểm. Đây là cơ sở để hình thành các ngành công nghiệp, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) với cơ sở hạ tầng hiện đại là đòn bẩy thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ngay từ những ngày đầu phát triển dự án, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo kiên định mục tiêu, định hướng phát triển khu công nghệ cao quốc gia từ khâu lựa chọn nhà đầu tư, không cố gắng lấp đầy mà sàng lọc, đánh giá, lựa chọn các nhà đầu tư có uy tín, có công nghệ tiên tiến hiện đại, hàm lượng khoa học và công nghệ cao, có tính ứng dụng và ít có khả năng gây ô nhiễm môi trường.

“Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã và đang đi đúng định hướng của Chính phủ từ khi thành lập, tiềm năng và cơ hội phát triển còn rất nhiều dư địa để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tạo động lực cho phía Tây Thủ đô phát triển

Thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 1-8-2023 và Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 10-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc và bàn giao Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ về UBND thành phố Hà Nội quản lý.

Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng rằng, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục giữ vững mục tiêu tập trung phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; bảo đảm kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển từ khi thành lập đến nay của Khu công nghệ cao Hòa Lạc; tập trung xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và là vùng lõi của đô thị Hòa Lạc, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đồng hành, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội để thúc đẩy sự phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Dấu ấn sau 1/4 thế kỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.