Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tâm lực cho kế hoạch “Vươn tới tầm cao mới”

Mai Thi| 20/05/2010 06:49

(HNM) - Hội VNDG Việt Nam vừa chính thức bước vào nhiệm kỳ VI (2010-2015) với những kết quả của kế hoạch

Với kế hoạch "Vươn tới tầm cao mới", những người làm công tác VHVNDG đang đứng ở thời điểm quan trọng: Tiếp tục chạy đua với thời gian để giữ gìn vốn cổ; đồng thời đưa chất lượng nghiên cứu, truyền dạy lên tầm cao mới…

Cồng chiêng Tây Nguyên, nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Ảnh: Nhật Nam


Cần nhất là cái tâm
"Tầm nhìn 2010" ra đời vào giữa nhiệm kỳ IV của Hội VNDG Việt Nam, trong tình thế "cấp bách" khi nhiều nghệ nhân ra đi mà chưa kịp truyền lại vốn cổ. Mặc dù, thực hiện kế hoạch này là việc chưa có tiền lệ, song đến trước thềm ĐH VI, Hội VNDG Việt Nam đã công bố được tập 1 cuốn "Tổng kiểm kê di sản VNDG của 54 dân tộc Việt Nam" (Tổng kiểm kê) - một trong hai nội dung quan trọng của "Tầm nhìn 2010".

Tổng kiểm kê tập 1 là kết quả điều tra của 30/60 chi hội đối với 46/54 dân tộc của Việt Nam, minh chứng cụ thể cho những lo ngại trước đây của chúng ta về sự "đứt gãy" trong lưu truyền vốn VNDG. Tại ô thực trạng, không ít di sản ở tình trạng "đang mai một dần" như các Trường ca của dân tộc Ba Na, hay "đã mất" như nghề làm nhà sàn của nhiều dân tộc. Ngay cả nhiều lễ hội, nghề thủ công của cộng đồng người Kinh cũng đang dần biến mất do nhiều nguyên nhân: Đô thị hóa, mất người truyền dạy hoặc thiếu điều kiện phát huy.

Sự thực, việc kiểm kê, đặt cạnh nhau các di sản còn - mất, đang phục hồi… có tác động mạnh mẽ hơn tới nhận thức của cộng đồng. Khoảng trống trong các di sản mà chúng ta còn điểm tên được cũng chính là khoảng trống nội lực trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay. Không ai có thể phủ nhận được đóng góp to lớn của nghệ thuật ca trù trong việc khẳng định văn hóa, tên tuổi đất nước Việt Nam khi môn nghệ thuật này được UNESCO vinh danh. Nhưng trên chặng đường đầy nhọc nhằn của ca trù có bóng dáng biết bao nghệ nhân, nhà nghiên cứu đã quyết liệt, lặng thầm cho việc phục hồi gìn giữ từng lời ca, nhịp phách ấy?!.

Vì sự hiện diện của VNDG trong đời sống thường ở bề sâu nên không phải ai cũng nhận thức đầy đủ và có hành động kịp thời để cổ vũ cho công việc này. Hiện trên cả nước còn 8 địa phương là "vùng trắng" về tổ chức Hội VNDG, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, ngay tại ĐH VI vừa qua, Chi hội VNDG của vùng đất phố Hiến còn lên tiếng kêu gọi các cấp, ngành tiếp sức cho VNDG. Cách đây 3 năm ở Hưng Yên còn nghe kể chuyện thơ Phạm Ngũ Lão, nay thì những áng thơ ấy đã theo nghệ nhân về thiên cổ.

Trong bề bộn của công việc sưu tầm và ước vọng kéo lùi thời gian ấy, kế hoạch "Vươn tới tầm cao mới" đặt trọng tâm vào việc đầu tư, đào tạo nhiều trình độ cho các nhà nghiên cứu. Đây cũng là một cuộc chạy đua về truyền dạy, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp ngay trong lòng Hội VNDG. Trong đó, cái "tâm" là yếu tố đầu tiên cần tiếp tục phát huy ở tổ chức hội với 1.000 hội viên này.

Lực để thúc đẩy chất lượng
Năm 2007, với sự đồng ý của Ban Bí thư, Hội VNDG đã xây dựng dự án "Công bố, phổ biến tài sản VHVNDG các dân tộc Việt Nam". Sau khi được Chính phủ phê duyệt (tháng 9-2009 bắt đầu có kinh phí), dự án đã trở thành nguồn lực lớn cả về tinh thần và vật chất thúc đẩy cho hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là phổ biến vốn tài sản VHVNDG. Bởi lẽ khoảng 1.000 đến 2.000 công trình trong số 5.000 công trình sưu tầm nghiên cứu của các hội viên trong mấy chục năm qua đang lưu giữ dưới dạng bản thảo sẽ có cơ hội được xuất bản. Tại ĐH VI của Hội VNDG Việt Nam vừa qua, đồng chí Trương Tấn Sang, UV BCT, Thường trực Ban Bí thư còn nhấn mạnh: "Với hàng nghìn đầu sách sẽ công bố trong khuôn khổ dự án, chúng ta sẽ có một bộ "Bách khoa thư" về VHVNDG các dân tộc Việt Nam, góp phần bảo tồn, cung cấp cho các thế hệ người Việt Nam những giá trị sáng tạo của cha ông trong hàng ngàn năm lịch sử". Đến nay, đã có trên 70 đầu sách được ra mắt. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam khẳng định: "Tinh thần là thực hiện cẩn trọng, làm sao để con cháu không phải làm lại".

Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước, kế hoạch "Vươn tới tầm cao mới" của Hội còn đặt ra vấn đề kinh phí "đào tạo chuyên gia" cho 17% lực lượng nghiên cứu từ 40-60 tuổi của Hội. Chưa kể còn 58% hội viên ở độ tuổi 60-70 và 23% trên 70 tuổi đang vào độ chín cũng cần tiếp sức. Không phải ngẫu nhiên mà trước thềm ĐH VI, nhiều hội viên đặt ra yêu cầu đối với Chủ tịch Hội là ngoài tâm huyết còn phải "có khả năng tìm kiếm nguồn kinh phí".

Nếu như 5 năm qua, Quỹ Ford đã hỗ trợ Hội 4,5 tỷ đồng để phục hồi 105 di sản thuộc các loại hình VNDG thì tới đây, nguồn kinh phí này sẽ không còn. Và "phấn đấu tìm thêm nguồn kinh phí đáp ứng các nhiệm vụ đã đề ra" đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội nhiệm kỳ VI. Chia sẻ dưới đây của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cũng là lời nhắn gửi các cấp, ngành chức năng: "Nhiều năm nay, mức hỗ trợ cho hội viên chưa kịp điều chỉnh. Trung bình, một trăm trang công trình mỗi năm, hội viên được nhận 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nào Hội VNDG cũng nhận được hàng trăm công trình của hội viên. Nhân cách văn hóa đã trở thành nền tảng vững chắc duy trì hoạt động của Hội".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tâm lực cho kế hoạch “Vươn tới tầm cao mới”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.