(HNM) - Năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với Công an thành phố đã tổ chức tập trung người lang thang xin tiền (ăn xin) trên phố, đồng thời xử phạt hành chính một số đối tượng có hành vi bảo kê đối với hoạt động này. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới trong những ngày đầu tháng 7-2020, tình trạng nêu trên lại tái diễn và hoạt động bảo kê cũng ngày càng phức tạp...
Người ăn xin xuất hiện nhiều nơi
Khảo sát tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Mễ Trì - Phạm Hùng; Đại Cồ Việt - Giải Phóng..., tình trạng người ăn xin len lỏi vào dòng phương tiện đông đúc để xin tiền khá phổ biến. Chị Kiều Khánh Ly, phường Cát Linh (quận Đống Đa) bức xúc: "Ngày nào đi qua ngã tư phố Tôn Đức Thắng - Cát Linh tôi cũng chứng kiến người lang thang xin tiền. Có người còn chèo kéo người đi đường để xin tiền, rất phản cảm". Tại ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân, bà Nguyễn Thị Đào (quận Đống Đa) - người trước đó đã nhiều lần bị tập trung về trung tâm bảo trợ xã hội - vẫn đi ở lòng đường ngả nón xin tiền mặc tiếng còi xe inh ỏi phía sau.
Trên địa bàn quận Cầu Giấy, tại chợ Đồng Xa luôn xuất hiện một người phụ nữ đi khắp các quầy hàng để ăn xin, hay ở phố Tô Hiệu cũng có nhiều người ăn xin núp bóng bán kẹo cao su, bơm xe...
Theo Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Tuyết Nhung, mỗi năm, Hà Nội tiếp nhận 600-700 lượt người lang thang ăn xin về tập trung, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, khi những người này trở về cộng đồng, phần lớn lại "theo đường cũ". Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, có 258 người lang thang bị tập trung về các trung tâm bảo trợ xã hội, đa phần đều quay trở lại hành nghề ăn xin.
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 Nguyễn Văn Bằng cho biết, có đối tượng ra - vào trung tâm đến chục lần, như trường hợp Trịnh Tiến Toàn quê Thanh Hóa, Nguyễn Xuân Công quê Thái Bình, Trần Minh Lập quê Phú Thọ. Hoặc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 1, đối tượng Đỗ Văn Thụy, quê ở Hải Phòng; Nguyễn Thị Đào, Chu Thị Thanh ở quận Đống Đa cũng có "thâm niên" ra - vào trung tâm...
Đội trưởng Đội Trật tự xã hội lưu động (Trung tâm Bảo trợ xã hội 1) Nguyễn Văn Hải lý giải: "Các đối tượng lang thang vin vào cớ hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu, không xin được việc làm nên quay lại nghề ăn xin. Đáng lo ngại là tại Hà Nội xuất hiện một số nhóm bảo kê chuyên đứng sau "chăn dắt" những người ăn xin. Thậm chí, các đối tượng này còn cắt cử người theo dõi lộ trình di chuyển xe ô tô của trung tâm bảo trợ xã hội để báo cho những người ăn xin ở khu vực đó di dời đi nơi khác...".
Cần quyết liệt xử lý
Nói về thực trạng này, bà Dương Tuyết Nhung nhận định, việc tập trung người lang thang ăn xin hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong đó đáng lưu ý là các đối tượng ăn xin bất hợp tác, tìm nhiều cách đối phó; trong khi đó, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các đối tượng bảo kê. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh thêm, các đối tượng bảo kê có sự chuẩn bị kỹ cho hành vi "chăn dắt", ép người lang thang ký vào hợp đồng lao động với công việc bán tăm, kẹo cao su... để hợp thức hóa hành vi vi phạm.
Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng, đơn vị đã thường xuyên phối hợp với Đội Trật tự xã hội lưu động (Trung tâm Bảo trợ xã hội 1) để tập trung đưa người ăn xin về trung tâm, song nếu chỉ xử lý các đối tượng bảo kê mà không có những biện pháp đồng bộ thì tình trạng nêu trên vẫn khó có thể giải quyết triệt để.
Còn theo bà Dương Tuyết Nhung, Sở đã chỉ đạo các Đội Trật tự xã hội lưu động thuộc các Trung tâm Bảo trợ xã hội 1, 2, 4 tuần tra hằng ngày để đưa các đối tượng lang thang về trung tâm. Đặc biệt, Sở phối hợp, cung cấp tài liệu cho Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) để đấu tranh với các nhóm bảo kê. Về phía mình, Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết, từ tháng 5-2019 đến nay, đơn vị đã lập biên bản nhắc nhở 3 đối tượng có hành vi tổ chức người đi ăn xin; xử phạt 10 triệu đồng 1 đối tượng "chăn dắt", lợi dụng người khuyết tật để trục lợi. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng người lang thang ăn xin để trục lợi.
Nhằm xử lý hiệu quả tình trạng người ăn xin tái xuất ở Hà Nội, bà Dương Tuyết Nhung cho hay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện người lang thang ăn xin, đưa họ trở về với gia đình; tăng cường công tác giáo dục trong cộng đồng, chú trọng tạo công ăn việc làm để người lang thang có thu nhập, không tái phạm... Các cơ quan chức năng cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để chấm dứt tình trạng người lang thang ăn xin trên đường phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.