Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái thiết di sản công nghiệp: Nối dài thành tựu phát triển của con người

Quỳnh Dương| 06/11/2022 11:35

(HNMCT) - Những năm gần đây, di sản công nghiệp là khái niệm được nhắc tới thường xuyên ở các nước phát triển. Đây là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, phản ánh một quá trình tiến bộ trong lịch sử công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nhân loại. Việc lưu giữ, tái tạo và phát huy giá trị các di sản công nghiệp nổi bật không chỉ giúp bảo tồn minh chứng cho những thành tựu vượt bậc của loài người, mà còn mở ra hướng mới nhằm thúc đẩy du lịch.

The Eden thu hút hàng triệu khách tham quan mỗi năm.

Theo Ủy ban quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp (TICCIH), các di sản công nghiệp thường gắn với giai đoạn lịch sử của “nền văn minh công nghiệp thế giới”, có điểm khởi đầu vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, trải qua 3 giai đoạn phát triển, nay đã chuyển sang giai đoạn thứ tư - được gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, mặc dù là những công trình gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng những di sản công nghiệp tiền kỳ thường có niên đại hơn 200 năm.

Trong quá trình đô thị hóa, để đáp ứng yêu cầu quy hoạch và bảo vệ môi trường, mở rộng đường, xây dựng các khu nhà cao tầng, công trình sinh hoạt..., nhiều khu công nghiệp cũ tại các thành phố lớn đã bị dỡ bỏ. Nhằm giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia đã có một số giải pháp để vừa lưu giữ được “ký ức đô thị”, vừa tạo nên giá trị văn hóa, kinh tế cho xã hội, đất nước. Đó là tái thiết di sản công nghiệp, hoặc một phần di sản công nghiệp thành không gian văn hóa, với các hoạt động có ý nghĩa giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và thu hút khách du lịch.

Nhiều thành phố trên thế giới đã tái thiết thành công các di sản công nghiệp. Thay vì phá bỏ tất cả, họ đã giữ lại để làm chứng nhân lịch sử một thời của thành phố. Chiến lược này vừa làm giàu văn hóa, lịch sử vừa tạo môi trường cởi mở, thu hút sự tham gia của người dân, giới khởi nghiệp, nghệ sĩ, cũng như các nhà đầu tư. Một trong những mô hình di sản công nghiệp được chuyển đổi thành công là mỏ muối Wieliczka ở Ba Lan.

Với thời gian khai thác kéo dài từ thế kỷ XIII đến tận năm 2007, Wieliczka trở thành một trong những mỏ muối hoạt động lâu đời nhất và được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Có độ sâu 327m và tổng chiều dài lên tới 287km cùng nhiều hang động rỗng còn lại sau quá trình khai thác, mỏ muối được xây dựng và kiến tạo như một thành phố dưới lòng đất. Các điểm tham quan tại đây bao gồm giếng mỏ, lối đi mê cung và phòng trưng bày công nghệ khai thác muối, hồ nước ngầm, 4 nhà nguyện cùng nhiều bức tượng được chạm khắc từ đá muối mỏ. Công trình nổi bật nhất chính là nhà nguyện Saint Kinga. Tất cả mọi thứ trong nhà nguyện, từ bức tượng thần thoại, nhân vật lịch sử, tôn giáo, ngay cả đèn chùm cũng được làm từ các tinh thể của muối. Kiệt tác này phải mất tới 68 năm mới hoàn thành. Mỗi năm, mỏ muối Wieliczka thu hút tới 1,2 triệu khách du lịch.

Một di sản công nghiệp khác được tái thiết thành công là dự án The Eden ở Cornwall (Anh). Đây là mỏ khai thác đất sét tự nhiên bị bỏ hoang, được doanh nhân Tim Smith phát hiện và lên ý tưởng xây dựng một quần thể bảo tồn thiên nhiên. Với sự hợp tác của kiến trúc sư Nicholas Grimshaw và Anthony Hunt, ý tưởng này đã trở thành sự thật.

Dự án mất hai năm rưỡi để hoàn thành, mở cửa cho khách tham quan chính thức từ ngày 17-3-2001. Tại đây có 3 quần xã sinh vật chính: Quần xã sinh vật nhiệt đới gồm các loại cây trồng như chuối, cà phê, cao su hoặc các rặng tre khổng lồ; quần xã sinh vật vùng Địa Trung Hải là những cây ô liu và nho. Quần xã sinh vật ngoài trời thì đầy ắp những loài hoa thường được trồng tại Anh như trà xanh, hoa oải hương, hoa hướng dương... Khu liên hợp gồm có hai hệ thống tòa nhà chính chứa đầy những loài thực vật, cây cối từ khắp nơi trên thế giới. Trên các khung thép là những mái vòm được ghép từ hàng trăm hình lục giác hoặc ngũ giác. Nhìn từ xa, khu nhà này nổi lên như những khối bong bóng khổng lồ đầy màu sắc.

Ngoài việc định hướng trở thành trung tâm giáo dục, hướng dẫn cho du khách về tầm quan trọng của các loài thực vật và môi trường thiên nhiên, The Eden cũng tạo dựng một số chiến lược bền vững về năng lượng sạch với việc sử dụng hệ thống nước từ nước mưa và năng lượng của gió. Trong vòng 10 năm tính từ ngày mở cửa, The Eden đã đón gần 13 triệu lượt khách đến từ khắp nơi.

Theo nhận định của các chuyên gia UNESCO, di sản công nghiệp cũng giống như các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác, cần được gìn giữ như một bằng chứng sống động cho những giai đoạn phát triển độc đáo của lịch sử nhân loại. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản công nghiệp phục vụ chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch đang được nhiều quốc gia quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái thiết di sản công nghiệp: Nối dài thành tựu phát triển của con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.