(HNM) - Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội được cổ phần hóa năm 2002. Trong đó phần vốn góp sở hữu Nhà nước (SCIC) là 10%, cổ đông pháp nhân Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất (CIRI), thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 nắm giữ 66,6% và các cổ đông khác nắm giữ 23,4% vốn điều lệ.
Từ khi cổ phần hóa đến nay, Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội liên tục thâm hụt vốn và có những biểu hiện bất minh, khuất tất trong sản xuất, kinh doanh.
Dự án "Văn phòng giới thiệu sản phẩm, kinh doanh, giao dịch" tại số 6 Hàng Gà. |
Thâm hụt 6,5 tỷ đồng
Sau khi cổ phần (CP) hóa, Công ty CP Cơ kim khí (CKK) Hà Nội có trụ sở tại Cầu Bươu, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh như: sản xuất cơ khí; xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư hàng hóa phục vụ cho ngành mạ, kim, cơ kim khí; kinh doanh dịch vụ… Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp này không những không tăng trưởng, mà còn thâm hụt vào vốn. Tính đến hết năm 2010, tổng số thâm hụt vốn lũy kế của Công ty CP CKK Hà Nội lên tới 6,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 90% vốn cổ đông, trong đó có một phần không nhỏ vốn góp của Nhà nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thâm hụt vốn là do công tác tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của ban lãnh đạo công ty còn nhiều yếu kém, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Công ty khoán cho các phân xưởng nhưng lại không quản lý chặt chẽ, để mặc họ tự quyết định chi phí đầu vào, giá bán sản phẩm. Máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu, không được đầu tư đổi mới; việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hiện có như: đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc không hiệu quả. Không những thế, dưới hình thức "hợp tác kinh doanh", lãnh đạo Công ty CP CKK Hà Nội (hai thành viên HĐQT là ông Mạ, ông Hưng) còn tự ý cho một số doanh nghiệp: Công ty CP điện máy REE, Công ty CP thương mại Thái Sơn, Công ty TNHH thương mại Hoàng Dung, Công ty TNHH Phương Ngọc… thuê hàng ngàn mét vuông đất, với thời hạn từ 3 tháng đến 3 năm. Kết cục, thâm hụt vốn tái diễn năm này qua năm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Nhiều người bị mất việc làm…
Trước tình hình đó, hai cổ đông lớn, chiếm tới 76,6% cổ phần là SCIC và CIRI đã nhiều lần có văn bản gửi Chủ tịch HĐQT Công ty CP CKK Hà Nội đề nghị tổ chức đại hội cổ đông, song đều bị "phớt lờ". Đặc biệt, HĐQT nhiệm kỳ 2005-2009 do ông Nguyễn Văn Mạ làm Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty đã quá hạn định hơn 1 năm, nhưng công ty cũng không tổ chức đại hội cổ đông để bầu lại.
Dấu hiệu vi phạm pháp luật
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Công ty CP Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP CKK Hà Nội để thực hiện dự án "Văn phòng giới thiệu sản phẩm, kinh doanh, giao dịch" tại khu đất 260,38m2 ở số 6 Hàng Gà, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm; dự án "Tổ hợp thương mại văn phòng, nhà ở" trên khu đất 11.106m2 và dự án mở rộng có diện tích 24.959m2 tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì của Công ty CP CKK Hà Nội. Trong các hợp đồng hợp tác đầu tư, hai bên đều cam kết không hình thành pháp nhân mới. Tuy nhiên, từ cuối tháng 11-2010 đến nay, ông Nguyễn Văn Mạ cùng ông Cung Tiến Hưng, Ủy viên HĐQT công ty đã ngấm ngầm thành lập 3 Công ty TNHH một thành viên CKK Hà Nội 1, 2, 3, đều do ông Cung Tiến Hưng làm giám đốc và chuyển giao tài sản của Công ty CP CKK Hà Nội một cách bất hợp pháp cho 3 công ty này.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, HĐQT phải có ít nhất 3 thành viên và cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ 3/4 tổng số thành viên trở lên dự họp. Trong trường hợp số lượng thành viên HĐQT chỉ có 3 người, chỉ khi có đủ cả 3 người tham dự thì mới đủ điều kiện tiến hành cuộc họp HĐQT. Thực tế, từ năm 2005 đến nay, HĐQT Công ty CP CKK Hà Nội chỉ có 3 người, do ông Nguyễn Văn Mạ làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc; ông Nguyễn Ngọc Hiếu là Phó Chủ tịch HĐQT, người đại diện quản lý vốn của CIRI; ông Cung Tiến Hưng, Ủy viên HĐQT, Phó Giám đốc Công ty. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu khẳng định, từ ngày 22-4-2008 đến nay, không hề nhận được giấy mời họp dưới bất kỳ hình thức nào của HĐQT Công ty CP CKK Hà Nội. Qua đó cho thấy, việc HĐQT Công ty CP CKK Hà Nội tổ chức họp để ra các quyết định thành lập các công ty con là trái pháp luật, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Điều đó càng được thể hiện rõ trong việc định giá tài sản của hai ông Nguyễn Văn Mạ và Cung Tiến Hưng. Toàn bộ tài sản gắn liền với quyền sử dụng 260,38m2 đất tại số 6 Hàng Gà được định giá có 650 triệu đồng (bằng giá của hơn 1m2 đất tại khu vực này) và giá trị nhà xưởng, bất động sản gắn liền với quyền sử dụng 11.106m2 đất tại xã Thanh Liệt chỉ với 2,8 tỷ đồng (tương đương giá của một căn hộ chung cư bình thường tại Hà Nội) và ngôi nhà 113m2 đất tại 70D Trần Xuân Soạn chỉ được định giá 250 triệu đồng. Đặc biệt các ông Nguyễn Văn Mạ và Cung Tiến Hưng tự ra nghị quyết HĐQT trái luật là 3 Công ty TNHH một thành viên CKK Hà Nội 1, 2, 3 sau khi nhận chuyển giao tài sản không phải liên đới chịu bất cứ trách nhiệm gì đối với mọi hoạt động do Công ty CP CKK Hà Nội giao kết, thực hiện trước và sau khi chuyển giao.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, bà Lê Thúy Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất cho biết: CIRI đã tốn kém nhiều tiền của để khởi động 2 dự án và đã tiến hành thi công Dự án "Văn phòng giới thiệu sản phẩm, kinh doanh, giao dịch" tại số 6 Hàng Gà từ tháng 10-2010. Vậy mà hai ông Nguyễn Văn Mạ và Cung Tiến Hưng đã bất chấp pháp luật, tự ý làm các thủ tục thành lập các công ty con để dễ dàng tự tung, tự tác, lộng hành trong hoạt động SXKD, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.
Để nắm rõ hơn sự việc, PV Báo Hànộimới đã nhiều lần liên lạc, đặt lịch làm việc với lãnh đạo Công ty CP CKK Hà Nội, nhưng ông Nguyễn Văn Mạ luôn vắng mặt, ông Cung Tiến Hưng đều nại lý do, không hợp tác. Nhằm bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động và bảo toàn vốn cho doanh nghiệp, trong đó có vốn nhà nước, đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội sớm vào cuộc làm rõ những khuất tất trong hoạt động SXKD của Công ty CP CKK Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.