Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tài nguyên quan trọng cần được bảo tồn, phát huy giá trị

Vân Hạ| 03/11/2022 08:05

(HNMCT) - Trong vòng 5 năm tới, Hà Nội có 9 cơ sở công nghiệp cần phải di dời khỏi nội đô. Ứng xử với các không gian cũ này như thế nào, đó là điều được dư luận quan tâm, nhất là trong bối cảnh di sản công nghiệp được xem là tài nguyên quan trọng cần được bảo tồn, phát huy giá trị.

Một hoạt động văn hóa diễn ra tại Complex01 - khu tổ hợp được xây dựng trên nền Nhà máy In Công đoàn ở ngõ 167 Tây Sơn.

Hà Nội đã có di sản công nghiệp?

Vài năm qua, có không ít tổ hợp văn hóa - sáng tạo ra đời trên nền các nhà máy, công xưởng cũ, các khu nhà bỏ hoang... Những cái tên "vang bóng một thời" như Zone 9 từng tọa lạc tại khu nhà cũ của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2, Hanoi Crative City được xây dựng trên khu đất của tòa nhà Kim khí Thăng Long, X98 được tổ chức trên khu đất của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội… Hiện nay, những địa chỉ vẫn đang hút khách như Complex01 được chuyển đổi từ Nhà máy in Công đoàn, 282 Workshop được xây dựng trên nền khu nhà máy chế biến dầu cũ ở Long Biên… Đội ngũ thực hành sáng tạo đã mang làn sinh khí mới cho những khu đất, khu nhà xưa cũ không sức sống, mang lại những giá trị mới cho cộng đồng.

Tuy nhiên, đa số tổ hợp nói trên có thời gian tồn tại không lâu bởi phần lớn phát triển tự phát, thiếu tư cách pháp nhân nên không có sự ổn định để “an cư lạc nghiệp”. Song, chính sự phát triển “một phút huy hoàng rồi chợt tắt” của các tổ hợp sáng tạo ấy khiến các chuyên gia, nhà quản lý phải đánh giá lại không gian của các cơ sở công nghiệp. Thay vì bị bỏ hoang, việc chuyển đổi công năng cho các không gian này khiến chúng được tái sinh và phát triển ở thời hiện đại là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện thành công.

Hà Nội có 92 cơ sở công nghiệp phải di dời, trong đó có 9 cơ sở cần di dời trong 5 năm tới. Tuy nhiên, trong số các cơ sở công nghiệp này, không phải khu đất, khu nhà nào cũng có giá trị cần được lưu giữ. Khái niệm di sản công nghiệp được hiểu một cách đơn giản là những giá trị gắn với từng giai đoạn phát triển của nền văn minh công nghiệp. Ở đâu có công nghiệp hóa thì ở đó có cơ hội tìm thấy các di sản công nghiệp.

Theo định nghĩa của Ủy ban quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp, di sản công nghiệp là những gì còn lại của văn hóa công nghiệp, bao gồm các tòa nhà, công xưởng, máy móc, hầm mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, phục vụ sinh hoạt, cảng biển, nhà ga, đường sắt... Di sản công nghiệp có thể được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh, từ giá trị lịch sử, giá trị xã hội, giá trị khoa học đến giá trị kiến trúc, thẩm mỹ nghệ thuật. Thậm chí, giá trị của di sản công nghiệp không chỉ được nhận diện trong tình trạng hiện tại mà còn cả trong ký ức con người gắn với địa điểm đó.

Hiện nay, Hà Nội có nhiều công trình công nghiệp có giá trị di sản, nhưng không có nghĩa thành phố đã có di sản công nghiệp đúng nghĩa. Có những cơ sở công nghiệp quy mô nhỏ, giá trị di sản không rõ ràng, nhưng cũng có những nhà máy có giá trị nổi trội. Nhiều kiến trúc sư cho rằng, trong số 9 nhà máy phải di dời của Hà Nội tới đây có 3 công trình sở hữu giá trị di sản rõ nét về mặt kiến trúc, cảnh quan và gắn với lịch sử phát triển kinh tế, xã hội, chính trị của thành phố, của đất nước. Đó là Nhà máy Bia Hà Nội (Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội), Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long), Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội). Ba nhà máy đều sở hữu những điều kiện để có thể tái thiết với tổng mặt bằng rộng, kết cấu công trình hoành tráng, ấn tượng, có giá trị kiến trúc đặc sắc, có giá trị lịch sử cao và vẫn đang ở trạng thái có giá trị sử dụng tốt.

Những bài học đau xót…

Sở dĩ nói Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung chưa có di sản công nghiệp đúng nghĩa, một phần nguyên nhân là bởi khái niệm này chưa được đưa vào các văn bản pháp luật, chưa được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học, đặc biệt là đại học chuyên ngành, nên khó có thể “dán nhãn” để bảo vệ. Phần nguyên nhân khác liên quan tới nhận thức chung của cộng đồng, của các nhà quản lý về di sản công nghiệp vẫn còn rất hạn chế.

Nhiều bài học đau xót về bảo vệ các công trình công nghiệp trong những năm qua đã được phản ánh mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Có thể kể đến trường hợp Nhà máy Dệt Nam Định được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX và là cơ sở dệt lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. Khoảng 50 năm sau khi thống nhất đất nước, nhà máy vẫn là cơ sở công nghiệp hoạt động mạnh mẽ. Hình ảnh nhà máy dệt mang ý nghĩa biểu tượng cho sự phát triển một giai đoạn của Việt Nam được thiết kế trên đồng tiền mệnh giá 2000 đồng hiện vẫn đang sử dụng.

Sau hơn một thế kỷ tồn tại, Nhà máy Dệt Nam Định là một chứng tích về sự phát triển thăng trầm của thành phố, của đất nước, từ thời Pháp thuộc, những năm cách mạng, những năm bao cấp… Năm 2016, nhà máy đã bị dỡ bỏ và thế vào đó là một khu đô thị mới tẻ nhạt, kiến trúc lai căng. Toàn bộ dấu ấn của nhiều giai đoạn phát triển công nghiệp dệt may của thành phố, của đất nước đã không còn. Nhiều ý kiến cho rằng, đó là sự thất bại của các nhà quản lý đô thị và hoạch định chính sách.

Tại Hà Nội, từng có không ít cơ sở công nghiệp sau khi được di dời ra khỏi nội đô thì hệ thống cơ sở vật chất tại địa điểm cũ đã bị phá dỡ hoàn toàn khi chưa kịp được đánh giá về giá trị di sản, như Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Dệt 8/3… Quỹ đất có được sau khi di dời các cơ sở sản xuất phần lớn được chuyển đổi để xây dựng các khu chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại.

Ông Lê Quang Bình, điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết, năm 2020, khi khảo sát các nhà máy thuộc diện di dời ở 2 quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng thì có tới 19/21 nhà máy đã chuyển đổi mục đích sử dụng thành chung cư thương mại, 1 nhà máy thành trường đại học và 1 nhà máy di dời để làm đường trên cao. Việc di dời nhà máy ra khỏi nội đô, do đó, đã chất tải thêm lên cơ sở hạ tầng của thành phố thay vì giảm tải cho nó, khiến thành phố càng thêm chật chội, dẫn tới quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…

Không gian 282 Workshop được tái thiết từ một nhà máy cũ thuộc quận Long Biên.

Lấy di sản làm nền tảng sáng tạo

Mặc dù Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung chưa có di sản công nghiệp nào chính thức được nhận diện, nhưng với những thành tựu trong phần việc này của quốc tế, có thể thấy việc xây dựng dự án tái thiết di sản công nghiệp là điều cần quan tâm thực hiện.

Hà Nội được ghi danh trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Nền kinh tế sáng tạo, bởi thế, là một trong những hướng đi trọng tâm. Hà Nội sở hữu nhiều không gian công nghiệp có giá trị di sản. Hà Nội có đội ngũ đông đảo những người hoạt động sáng tạo nhưng lại thiếu không gian để kết nối và phát triển. Nghĩa là, Hà Nội đang đứng trước cơ hội tạo dựng và phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, thúc đẩy công nghiệp văn hóa từ tái thiết di sản công nghiệp. Bởi thế, việc xây dựng thí điểm một dự án tái thiết di sản công nghiệp của Hà Nội thành tổ hợp đa năng, trong đó có không gian văn hóa - sáng tạo, là điều cần sớm được thực hiện trong thời gian tới để vừa giữ được cho Hà Nội “ký ức đô thị”, vừa tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội cho thành phố, đồng thời tạo động lực để các dự án sau đó được tiếp nối.

Đại diện Ban lãnh đạo Ủy ban quốc tế về Bảo tồn di sản công nghiệp (TICCIH), Giáo sư Helmuth Albrecht khẳng định: “Di sản công nghiệp không chỉ có giá trị và ý nghĩa với riêng thành phố nơi chúng hiện diện, mà di sản công nghiệp cần được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Chúng cần được nhìn nhận như một phần của văn hóa, của dân tộc, của lịch sử xã hội. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và tái thiết di sản công nghiệp cần được đặc biệt quan tâm, cần thúc đẩy sự tham gia sáng tạo của xã hội”.

Bài học thành công từ nhiều mô hình trên thế giới cho thấy, các di sản công nghiệp sau khi được tái sinh rất thu hút khách du lịch, trở thành yếu tố góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ở nhiều thành phố, nhiều quốc gia. Không ít di sản công nghiệp được tái tạo đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Để nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản công nghiệp, Hà Nội rất cần có bước đi quyết liệt hơn trong thực hiện quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch; nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chí để tiến hành đánh giá một cách khoa học, bài bản, kỹ lưỡng về giá trị di sản của các cơ sở công nghiệp trong thành phố; chuẩn hóa khái niệm di sản công nghiệp và đưa vào các nhóm luật về di sản, về kiến trúc...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên quan trọng cần được bảo tồn, phát huy giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.