(HNM) - Ở Đức nói riêng và các nước Châu Âu nói chung, khi một lái xe hai lần vi phạm luật giao thông thì ngoài bị phạt theo luật định, cảnh sát còn yêu cầu người vi phạm đi giám định sức khỏe để biết họ có vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là thần kinh hay không. Cảnh sát Đức quan niệm, sức khỏe của lái xe có mối liên hệ với vi phạm luật cũng như tai nạn giao thông.
Chuyện sức khỏe ở nước ta thì sao?
Từ nhiều năm nay, khi thi lấy giấy phép lái xe máy hay ô tô, người đi thi phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục giấy tờ, trong đó có giấy khám sức khỏe. Đó là sự bắt buộc cần thiết, nhưng điều đáng nói là ở chỗ, khám sức khỏe thế nào? Trong giấy khám sức khỏe cũng có đủ các hạng mục: chiều cao, cân nặng, thị lực, tim mạch... song thực tế cho thấy rất hiếm khi các bác sĩ kết luận người đi khám không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông bởi việc khám rất đơn giản. Không thử máu, không có thiết bị để phát hiện người khám nghiện ma túy hay không, cũng không siêu âm để biết gan, phổi, thận, dạ dày... thế nào. Khám thần kinh lại càng đơn giản nên khó có thể phát hiện bệnh. Với giấy phép lái xe máy, chỉ cần khám sức khỏe một lần cho cả cuộc đời; với ô tô, khi giấy phép phải đổi vì hết thời hạn quy định thì khám sức khỏe cũng dễ dàng như lần đầu. Thậm chí chẳng cần khám nếu làm dịch vụ. Nếu một người nghiện ma túy đang lên cơn hay một người mắc chứng động kinh lái xe ô tô thì hậu quả thế nào ai cũng rõ. Một người bình thường chắc chắn chẳng ai chạy ô tô hay xe máy tốc độ cao trên đường vì họ biết điều đó nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà cho cả người tham gia giao thông. Trên các phương tiện thông tin thi thoảng vẫn đưa các vụ "xe điên" đâm vào chỗ này chỗ kia dù xe không hỏng hóc và người lái cũng không uống rượu bia chứng tỏ sức khỏe thần kinh có vấn đề. Ngoài ra còn rất nhiều bệnh khiến người điều khiển phương tiện không làm chủ bản thân dẫn đến vi phạm hay gây tai nạn như: huyết áp cao, huyết áp thấp, bệnh tim, stress... Cách đây 9 năm, sau khi nghiên cứu kỹ các nguyên nhân gây tai nạn giao thông, Quỹ phòng chống thương vong Châu Á tại Việt Nam đã đưa ra nhận định: Tai nạn và vi phạm giao thông tại Việt Nam có mối liên hệ với sức khỏe của người điều khiển phương tiện.
Trước thực trạng tai nạn giao thông ở nước ta mỗi năm cướp đi mạng sống của hơn 10.000 người và để lại hậu quả xã hội vô cùng nặng nề, các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó siết lại công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe, tăng cường kiểm tra và nâng cao trách nhiệm thanh tra công vụ, gắn hộp đen lên các xe vận tải hành khách, nâng cao chất lượng đăng kiểm... Thế nhưng rất tiếc từ nhiều năm nay cơ quan chức năng lại quên vấn đề... sức khỏe người điều khiển phương tiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.