Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái khởi động dự án Châu Âu

Quỳnh Dương| 17/05/2017 06:22

(HNM) - Chỉ một ngày sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Pháp Manuel Macron đã có chuyến công du chính thức đầu tiên tới Đức, quốc gia láng giềng có quan hệ khăng khít với Paris.


Điều này cho thấy chính phủ mới ở đất nước hình Lục lăng sẽ tiếp tục chính sách đề cao mối quan hệ với Berlin thời gian tới để thực hiện mục tiêu tạo động lực mới cho Châu Âu đúng như cam kết của ông chủ Điện Elysee lúc tranh cử, cũng như tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ với Đức trong nỗ lực vực dậy Liên minh Châu Âu (EU) vốn đang chia rẽ sâu sắc.

Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Pháp M.Macron trong cuộc gặp tại Berlin.


Trên thực tế, nhiều năm qua trục Pháp - Đức luôn đóng vai trò quan trọng đối với những quyết sách cũng như chiến lược hành động của EU. Từ khi cuộc khủng hoảng nợ bùng phát cách đây 8 năm, Pháp và Đức đã phối hợp giải quyết nhiều vấn đề hóc búa của cả khối, từ chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội. Vì thế, sự song hành của lãnh đạo hai nước trong các sự kiện của khu vực và quốc tế vốn được ví như hình ảnh trụ cột của con tàu EU.

Trong bối cảnh khu vực phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm như cuộc khủng hoảng người nhập cư, nguy cơ tấn công khủng bố, đặc biệt là sau sự kiện Anh rời EU cùng sự nổi lên của phong trào dân túy lan rộng khắp Cựu lục địa, EU cần phải trở thành một khối thống nhất để có thể đối phó ngày càng hiệu quả hơn những thách thức đang và sẽ nảy sinh.

Theo các nhà phân tích, nền tảng chính sách Châu Âu đã được ông M.Macron thể hiện khá rõ ràng. Ngoài việc luôn bảo vệ những thành quả của EU, nhà lãnh đạo chỉ còn vài tháng nữa bước sang tuổi 40 đã kêu gọi một sự hội nhập sâu hơn trong những vấn đề được coi là then chốt như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát biên giới bên ngoài hay cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, Tổng thống M.Macron sẽ theo đuổi kế hoạch cải cách Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Bên cạnh đó, ý tưởng về việc thiết lập ngân sách chung, đề cử một bộ trưởng tài chính và xây dựng lực lượng quốc phòng chung cho Châu Âu cũng được nhà lãnh đạo Pháp nhắc đến không ít lần. Trước mắt, mong muốn của ông M.Macron là tại cuộc họp Hội đồng Châu Âu vào tháng 6 tới, 27 nước thành viên sẽ thông qua lộ trình về những vấn đề mà nước Pháp rất quan tâm.

Hiện tại, khó khăn của người đứng đầu nước Pháp là làm thế nào thu hẹp được một số bất đồng với Berlin trong quan điểm về triển vọng tương lai của EU. Ông M.Macron ủng hộ hội nhập Châu Âu theo hướng gắn kết sâu sắc hơn, tức là có những chính sách tài chính thống nhất và chặt chẽ. Tuy nhiên, về phía Đức, mặc dù cũng xác định đi theo xu hướng này, song chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel lại muốn mở rộng liên minh thay vì làm cho các mối quan hệ sẵn có trở nên sâu sắc hơn. Mục tiêu của Đức là cùng Pháp xây dựng một Châu Âu “liên bang” như kiểu Mỹ. Những khác biệt cơ bản này được nhận định có thể gây khó khăn cho nhiệm vụ lớn phía trước của “bộ đôi” Merkel - Macron là tái khởi động dự án Châu Âu, khiến những nỗ lực cải cách EU khó có thể diễn ra nhanh như kỳ vọng.

Vì vậy, đứng trước sứ mệnh không mấy dễ dàng là tái tạo nền tảng mới cho EU, cải cách để liên minh này không rơi vào tình cảnh tan rã như những gì dư luận lo ngại thời gian qua, Đức và Pháp trong vai trò “đầu tàu” EU sẽ tìm ra được tiếng nói chung phù hợp. Do đó, chuyến công du của tân Tổng thống Pháp M.Macron được xem như đã đặt những viên gạch đầu tiên cho “cuộc tái thiết lịch sử”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái khởi động dự án Châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.