Sau khi tháo dỡ hơn 600m hàng rào sắt và lát lại đá phần vỉa hè bao quanh, diện mạo Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) đã khởi sắc, thuận tiện cho người dân đến thư giãn, rèn luyện sức khỏe.
Thế nhưng, do chưa thu hồi được hơn 64.000m2 đất nằm tiếp giáp với công viên trên phố Võ Thị Sáu, tình trạng vi phạm đất đai, trật tự đô thị và trật tự an toàn giao thông tại khu vực lại gia tăng, ảnh hưởng đến hình ảnh của công viên và gây lãng phí tài sản nhà nước.
Để tránh tình trạng công viên bị "xẻ thịt", đất chưa giải phóng mặt bằng biến thành bãi giữ xe, hàng quán, gây lãng phí tài nguyên đất, ngày 17-1-2024, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 336/QĐ-UBND chấm dứt việc giao Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội tổ chức giải phóng mặt bằng dự án xây dựng công viên.
Đồng thời, thành phố giao UBND quận Hai Bà Trưng quản lý, sử dụng 199.939,045m2 đất đã giải phóng mặt bằng vào mục đích làm công viên. Thế nhưng, sau khi xây dựng, tổ chức lại hoạt động của công viên theo hướng mở, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với những diện tích nằm trong dự án đến nay vẫn chưa được chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt.
Cũng vì nguyên nhân này, gần đây, nhiều hộ kinh doanh trên khuôn viên đất thuộc dự án (phía mặt đường Võ Thị Sáu) lại đua nhau cải tạo, xây dựng để mở dịch vụ rửa, sửa chữa ô tô, xe máy… Tình trạng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị cũng như hình ảnh một công trình trọng điểm của Thủ đô.
Theo quan sát, để tiện cho việc kinh doanh, ngay sau khi công viên tháo dỡ hàng rào sắt bao quanh, các chủ cửa hàng ở đây đã tự ý tập kết vật liệu để cải tạo, sửa chữa lại cửa hàng, cho phù hợp với diện mạo mới của công viên. Việc kinh doanh diễn ra từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya. Để có mặt bằng bày bàn ghế, trông giữ phương tiện cho khách vào ăn uống, các hộ kinh doanh thường xuyên chiếm dụng toàn bộ phần vỉa hè phía trước. Một số cửa hàng sửa chữa ô tô còn để cho khách dừng đỗ phương tiện dưới lòng đường, gây cản trở giao thông.
Phản ánh với phóng viên, bà Đặng Thúy Hường, một người dân sống ở khu tập thể Mai Hương, phường Bạch Mai, bức xúc: "Chúng tôi rất vui mừng khi công viên được cải tạo khang trang, sạch đẹp nhưng không thể đồng tình với việc buông lỏng quản lý, để cho một số hộ kinh doanh chiếm dụng, biến lòng, lề đường thành của riêng".
Thể hiện sự bất bình trước hoạt động kinh doanh trên đất dự án làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông, ông Nguyễn Tiến Thắng, một người dân trú tại phường Quỳnh Mai, còn cho rằng nguyên nhân là chính quyền cùng lực lượng chức năng đã buông lỏng công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đồng thời thiếu sự kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp thường xuyên có hành vi tái phạm.
Theo Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Lê Hoàng Đức, để giải quyết những tồn tại sau khi tiếp nhận mốc giới, mới đây, UBND quận Hai Bà Trưng đã có Dự án thu hồi một phần đất nông nghiệp để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Theo quy hoạch được duyệt, dự án sẽ thu hồi khoảng 3.800m2 đất và tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng, dự kiến được thẩm định và phê duyệt trong tháng 4-2025...
Có thể thấy việc chậm thu hồi đất dự án xây dựng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô thời gian qua không chỉ gây lãng phí, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn. Để giải quyết dứt điểm vấn đề trên, các cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng cần sớm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, trả lại môi trường sạch, đẹp cho công viên và khu vực phụ cận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.