(HNM) - Xây dựng chung cư khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở; thi công sai so với nội dung giấy phép xây dựng; không trình hồ sơ để thẩm duyệt khi cải tạo mở rộng tại chung cư... Đó là các dạng vi phạm tại nhiều công trình xây dựng chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý nên những vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.
Nhiều vi phạm kéo dài
Gần 5 năm qua, cư dân tại chung cư An Bình Tower, số 521 Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) vẫn chưa được nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở do hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư. Năm 2013, dự án được thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương chuyển mục đích từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, khi thành phố chưa có quyết định phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ đầu tư đã triển khai xây dựng tòa nhà 24 tầng, bán và bàn giao cho 252 hộ dân đến ở.
Lý giải sự chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, ông Trương Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tây Hồ, chủ đầu tư dự án chung cư An Bình Tower cho rằng, quá trình triển khai dự án, đơn vị vướng giải phóng mặt bằng hơn 400m2 đất, chưa xác định được thuế đất nên chưa làm được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các hộ.
Tương tự, dự án chung cư cao cấp Dolphin Plaza, số 28 phố Trần Bình, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) cũng được đưa vào sử dụng từ năm 2013, nhưng 7 năm qua hàng trăm cư dân vẫn "miệt mài" gửi đơn khắp nơi tố cáo sai phạm của chủ đầu tư - Công ty cổ phần TID, nay vẫn chưa xử lý. Cụ thể, quá trình xây dựng chủ đầu tư đã "hô biến" tầng 1 thành diện tích cho thuê để kinh doanh thương mại, dịch vụ. Tầng 2, theo hồ sơ thiết kế cơ sở được duyệt có chức năng không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, siêu thị, nhưng thực tế đã được chủ đầu tư xây dựng thành văn phòng cho thuê, khu vui chơi, nhà trẻ...
Đáng chú ý, từ tháng 6-2019 đến nay, tại địa bàn quận Nam Từ Liêm còn tái diễn nhiều vi phạm song chưa được xử lý dứt điểm. Đơn cử là vi phạm thi công sai với nội dung giấy phép xây dựng của Công ty cổ phần Vinaconex 7, Công ty cổ phần Nhà Mỹ Xuân tại tổ hợp nhà ở cao tầng phường Cầu Diễn; không trình hồ sơ để thẩm duyệt khi cải tạo mở rộng tại chung cư Athena Complex của Công ty TNHH Phát triển đô thị và xây dựng 379.
Trong 6 tháng đầu năm nay, các đội quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã kiểm tra 10.531 công trình xây dựng, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 237 trường hợp; ban hành 699 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có nhiều vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án chung cư. Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm là do chính quyền một số địa phương buông lỏng, không xử lý dứt điểm từ khi phát sinh dẫn đến vi phạm kéo dài; trong khi một số chủ đầu tư cố tình vi phạm bất chấp sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Bảo đảm quyền lợi cư dân
Vi phạm tồn tại nhiều, nhưng khi được hỏi, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, theo quyết định của UBND thành phố, từ tháng 8-2018, đội ngũ cán bộ quản lý trật tự đô thị chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương, do đó trách nhiệm chính thuộc về UBND cấp quận, huyện và cơ sở. Sở chỉ có trách nhiệm kiểm tra chéo ngẫu nhiên các công trình đã được các địa phương báo cáo, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Để giải quyết dứt điểm vi phạm, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho cư dân, chính quyền các địa phương đã và đang triển khai giải pháp nhằm “gỡ khó” từng phần. Về vi phạm tại chung cư An Bình Tower, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) Đỗ Chí Linh cho hay, UBND phường đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ dự án xây dựng tòa nhà, báo cáo UBND quận những tồn tại, phối hợp với cơ quan điều tra, sớm giải quyết quyền lợi cho cư dân.
Tại quận Nam Từ Liêm, Trưởng phòng Quản lý đô thị Hoàng Minh Hải cho biết, từ tháng 6-2019 đến nay, 7 cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó phần lớn là xây dựng sai phép. "Chúng tôi tiếp tục tham mưu với UBND quận yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát vi phạm của chủ đầu tư trong việc triển khai dự án theo quy hoạch, qua đó kiến nghị UBND thành phố có biện pháp xử lý, ông Hoàng Minh Hải cam kết.
Đại diện một số quận có công trình vi phạm cho rằng, bên cạnh những giải pháp trên, các địa phương đã có văn bản kiến nghị, đề xuất UBND thành phố, các sở, ban, ngành thường xuyên xác minh, tổng hợp danh sách chủ đầu tư dự án chung cư vi phạm, đưa lên cổng thông tin điện tử của thành phố. Đặc biệt, đề xuất không xem xét giao chủ đầu tư đang vi phạm các dự án đầu tư xây dựng chung cư khác, khi chưa thực hiện khắc phục dứt điểm hậu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.