Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô: Coi trọng chất lượng tăng trưởng

Thúy Nga| 26/06/2015 06:23

(HNM) - Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Thủ đô.

Những con số biết nói

Nông nghiệp Thủ đô đang chuyển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và bền vững. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của Hà Nội đã chạm mốc 231 triệu đồng/ha. Trong trồng trọt, sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 1,1 triệu tấn, tiếp tục là hạt nhân, đóng vai trò chủ lực bảo đảm an ninh lương thực. Còn lĩnh vực chăn nuôi, phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng và tổng sản phẩm. Cách đây 5 năm, số lượng đàn gia súc, gia cầm khoảng 16,6 triệu con, hiện con số này đã nâng lên thành hơn 26 triệu con, tăng 1,56 lần, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 1,31%/năm. Theo Bộ NN&PTNT, Hà Nội trở thành địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất toàn quốc.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế của Hà Nội.


Nông nghiệp Hà Nội không chỉ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả mà còn được ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật. Dựa trên lợi thế từ điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, sau khi thí điểm thực hiện việc chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và phát triển chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, Hà Nội mở rộng 12 xã chăn nuôi bò sữa với tổng đàn hơn 10.000 con, 15 xã chăn nuôi bò thịt với hơn 22.000 con.

Bên cạnh đó là xây dựng 4 vùng chăn nuôi lợn ở các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây với tổng đàn hơn 20.000 con; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm trên địa bàn 7 huyện, thị xã và khu chăn nuôi lợn tập trung tại 4 huyện, thị xã với 27.000 con. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 76.500 tấn/năm, tăng gần 39.000 tấn so với năm 2008. Trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, hằng năm sản xuất gần 19.000 tấn giống lúa, 840.000 tấn giống ngô, 1.700 tấn giống đậu tương, hơn 4 triệu cây giống hoa, 1 triệu cây ăn quả, 4 triệu con giống, 200.000 liều tinh lợn… Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh quy mô lớn như trồng hoa, rau an toàn hay vùng chăn nuôi bò, lợn, gia cầm và nuôi trồng thủy sản ở nhiều địa phương, tạo bước ngoặt cho nông nghiệp Thủ đô phát triển hiện đại, đa dạng.

Phát triển bền vững làm trọng tâm

Dù có những bước phát triển toàn diện nhưng cũng phải thấy rằng, cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp Thủ đô chuyển dịch còn chậm, chưa đồng đều, trồng trọt vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu chung. Năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch kém nên chất lượng nhiều loại sản phẩm còn thấp, phần lớn tiêu thụ ở dạng sơ chế thô nên hiệu quả kinh tế không cao. Chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm còn bộc lộ nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng khá cao. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thu nhập người lao động khu vực nông nghiệp thấp hơn so với các ngành kinh tế khác…

Trong định hướng phát triển nông nghiệp, Hà Nội lấy tiêu chí phát triển bền vững làm trọng tâm, không chạy theo tốc độ tăng trưởng nhanh mà hết sức coi trọng chất lượng của sự tăng trưởng. Theo đó, nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng đô thị sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao, hài hòa và bền vững với môi trường.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng, chăn nuôi của Hà Nội sẽ theo hướng chú trọng phát triển con giống và xác định đối tượng chính, chăn nuôi mang tính công nghiệp, tập trung, xa khu dân cư, từng bước giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ…; khai thác hợp lý, hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, mặt nước phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao sản lượng và an toàn thực phẩm.

Còn bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT cho biết, thành phố tạo mọi điều kiện phát triển vùng sản xuất chuyên canh trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bố trí vùng thuận lợi cho các khâu từ canh tác đến thu hoạch; tiếp tục chuyển đổi đất lúa vùng trũng, năng suất bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản, vùng cao khó khăn về nguồn nước sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; quan tâm khâu công nghệ sau thu hoạch và chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng…; đẩy mạnh liên kết, phát triển thương mại - dịch vụ nông sản nhằm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại, an toàn, xanh, sạch; tạo việc làm ổn định cho nông dân, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô: Coi trọng chất lượng tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.