(HNM) - Vì sao phải tái cơ cấu đầu tư công (ĐTC), yêu cầu này đã và đang được giải quyết đến đâu cùng những khuyến nghị là nội dung chính của hội thảo tái cơ cấu ĐTC trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tổ chức ngày 7-11, tại Hà Nội.
Vì sao cần tái cơ cấu đầu tư công?
Theo TS Nguyễn Quang Thái - Thư ký Hiệp hội Kinh tế Việt Nam, thực tế cách làm và triển khai nhiệm vụ KT-XH hằng năm trong những năm qua luôn theo hướng lấy ngân sách bảo đảm ĐTC; mặc nhiên xác định ĐTC là nguồn lực chủ yếu trong các đầu tư và phát triển. Điều đó đã bộc lộ nhiều bất cập, lạc hậu.
Những dự án dân sinh trọng điểm sẽ được bố trí nguồn vốn đầu tư trên cơ sở hợp lý, hiệu quả. Ảnh: Như Ý |
Mới chỉ vài năm trước, cụm từ "chạy dự án", sử dụng các mối quan hệ để "kéo" dự án, xin vốn từ nguồn ĐTC để xây dựng các công trình trên địa bàn là việc thường xuyên của một số tỉnh, thành phố. Đó là căn nguyên, là gốc của mối quan hệ xin - cho và là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng phát sinh, đục khoét nền kinh tế mà thực chất là tiền thuế của người dân và doanh nghiệp (DN). Dư luận hẳn chưa thể quên hình ảnh của một Vinashin - như người khổng lồ, nhưng chỉ biết sử dụng vốn vay ngân hàng, thậm chí đã từng được bảo lãnh hàng trăm triệu USD để đầu tư vào các dự án "bánh vẽ". Người ta cũng dễ hiểu vì sao với cách làm như vậy nên đi đâu cũng thấy công ty con hoặc liên doanh của Vinashin theo đúng nghĩa lan tỏa như một phong trào mà bất biết hậu họa… Ở một số địa phương cũng từng xuất hiện những dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng, sản xuất bia, cảng biển, thậm chí là đề xuất làm sân bay… như một trào lưu, để khỏi "thua chị, kém em". Những dự án thiếu sự nghiên cứu kỹ như vậy khi ra đời đã trở thành "sự đã rồi", là nỗi ám ảnh đối với chính quyền địa phương và người dân… Bên cạnh đó, nạn thất thoát trong ĐTC cũng là một thực tế, mà thực chất là gặm nhấm vào "bầu sữa" ngân sách nhà nước.
Đáng lo ngại là, thực trạng chủ dự án ĐTC không tuân thủ quy định pháp luật không phải là hiếm, bởi riêng năm 2013 cơ quan chức năng phát hiện 195 dự án vi phạm thủ tục đầu tư và chỉ có 66% số dự án có báo cáo tình hình, số liệu lên cấp có thẩm quyền. Xét ở góc độ công bằng xã hội cũng cho thấy sự bất cập, bất công bởi khối DN dân doanh dường như phải tự "chiến đấu", không được hưởng lợi trực tiếp từ ĐTC nhưng lại đóng góp khá lớn vào ngân sách.
Quá trình triển khai tái cơ cấu ĐTC chỉ mới diễn ra nhưng chậm, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo TS Nguyễn Quang Thái, đến nay chưa hề có một kế hoạch tổng thể về tái cơ cấu ĐTC và điều đó ảnh hưởng, gây lúng túng cho việc điều hành, ra quyết định đầu tư đối với nhiều mục tiêu quan trọng. Một số công trình quan trọng trong vòng 10 năm nữa chưa thể xử lý một cách toàn diện do nguyên nhân khách quan về thể chế, sự thiếu đồng bộ hoặc thiếu luật, văn bản pháp lý để điều chỉnh.
Chủ động cắt giảm mức đầu tư công
Xuất phát từ tình hình thực tiễn và gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã nhận thức và quyết tâm từng bước thực hiện tái cơ cấu ĐTC. Tỷ trọng vốn ĐTC trong tổng đầu tư toàn xã hội đã giảm từ 53,4% giai đoạn 2006-2010, xuống còn trên dưới 40% trong giai đoạn 2011-2013.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng cắt giảm ĐTC, trước mắt đưa ĐTC xuống mức trên 30% GDP, rồi từng bước hạ thấp xuống dưới 30% GDP ở thời điểm thích hợp. Chỉ nên coi ĐTC là vốn "mồi" để kích hoạt đầu tư từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tập trung vào mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Đơn cử, gần đây cả nước đã thu hút gần 117.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 48 dự án, gồm các dự án BOT, BT trên quốc lộ 1 và 3 dự án BOT, BT trên quốc lộ 14. Cũng có 16 dự án vốn ĐTNN theo hình thức BOT, BT trong các lĩnh vực năng lượng, nước, hạ tầng đô thị.
Dư luận cho rằng, để bảo đảm chất lượng ĐTC, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, các chế tài xử phạt đủ tính răn đe đối với những hành vi vi phạm, lợi dụng ĐTC, đặc biệt cần xử lý người ra quyết định đầu tư thay vì áp dụng cách xử lý kiểm điểm tập thể như trước đây. Nếu không hoàn thiện thể chế và pháp luật thì nền kinh tế không thể khai thông các nguồn lực, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Tái cơ cấu ĐTC không phải là vấn đề mới lạ, đã được triển khai ở nhiều quốc gia và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả cần thời gian chứ không thể "một sớm, một chiều" bởi đây cũng là vấn đề khá gai góc, đòi hỏi biện pháp đồng bộ và sự dứt khoát để chấm dứt thực trạng phát triển theo chiều rộng, phụ thuộc quá nhiều vào vốn ĐTC…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.