(HNM) - Ngày 23-8, Truyền hình Việt Nam đưa tin: Cái còn lại là tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng ở kho lạnh của Công ty TNHH An Khang, Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) chỉ là vài trăm hộp cá phi-lê lẫn lộn với cá vụn, thịt vụn. Trong khi đó, theo hợp đồng vay vốn tại các ngân hàng, giá trị của kho hàng này được kê khai lên tới gần 30 tỷ đồng. Khoản tín dụng hơn 300 tỷ đồng của 5 ngân hàng thương mại (NHTM) có chi nhánh tại Cần Thơ cho DN này vay đang đứng trước nguy cơ mất trắng… Vấn đề không dừng lại ở đây và hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các NHTM từ lâu đã trở thành vấn đề "nóng".
Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII vừa qua, có không ít ý kiến đề xuất Chính phủ rà soát toàn bộ hệ thống ngân hàng, giải thể những ngân hàng yếu kém. Bởi lẽ, đây chính là tác nhân gây bất ổn và rủi ro cho toàn hệ thống. Có đại biểu còn cho rằng, cần có những biện pháp mạnh đối với các NHTM. Các ngân hàng này đua nhau tăng lãi suất huy động, đã tạo ra sự khan hiếm tiền mặt, kìm hãm phát triển sản xuất… "Trong Bộ luật Hình sự có quy định, tạo ra khan hiếm, đầu cơ tiền tệ và cho vay lãi nặng là những dấu hiệu của hành vi nguy hiểm"… Như vậy có thể thấy, tái cấu trúc, làm lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng là vấn đề cấp bách trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những quy định tương đối chặt chẽ về quản trị doanh nghiệp trong khu vực ngân hàng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người chủ sở hữu và người quản lý trong khu vực NHTM vẫn thiếu sự minh bạch cần thiết và các cổ đông lớn thường chi phối hoạt động của các NHTM. Việc chạy đua tăng vốn điều lệ với quy mô lớn (có thể lên tới 300-400% trong vòng 3-4 năm), buộc các NHTM phải tăng tổng tài sản lên tương ứng, trong khi năng lực quản lý ở cấp cao cũng như chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện đáng kể... đã kéo theo không ít hệ lụy. Chưa kể chất lượng tài sản được tính bằng tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 2,16% năm 2010 đang có dấu hiệu tăng lên 3,1% trong 6 tháng đầu năm 2011, trong đó nợ xấu (nợ nhóm 5 - nhóm nợ mất vốn) chiếm 47%...
Trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và các chuyên gia về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách kinh tế nhất quán của Chính phủ sẽ không thay đổi. Chính phủ sẽ tập trung vào việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng như thực hiện Nghị quyết 11 để phát triển kinh tế và chống lạm phát. Từ lâu giới nghiên cứu tài chính đã đưa ra cảnh báo về những bất cập liên quan đến hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản… Đã đến lúc Chính phủ đưa ra các giải pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Có ý kiến cho rằng: Muốn tái cấu trúc hệ thống trước hết phải giải quyết tình trạng dư nợ bất động sản ở các NHTM. Như vậy, trước khi có chính sách mới cần có bản thanh tra đánh giá, phân loại, phân nhóm NHTM; đồng thời có bản đánh giá chất lượng tín dụng của các NHTM, trong đó có chất lượng cho vay bất động sản… Cũng có ý kiến cho rằng nên "bung" tiền ra để xử lý nợ xấu. Thế nhưng đây thật sự là vấn đề cần hết sức thận trọng, bởi nếu lượng tiền đưa ra lại chạy tiếp vào bất động sản thì nguy cơ rủi ro sẽ ngày càng lớn hơn và chắc chắn sẽ phương hại đến cả nền kinh tế...
Những khó khăn trên thị trường tiền tệ đã bộc lộ nhiều yếu kém trong quản trị của các ngân hàng. Tuy nhiên, có hàng loạt vấn đề cần được đặt lên bàn cân. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không đơn giản bởi nó tác động trực tiếp đến nền kinh tế, do vậy cần có lộ trình phù hợp để hạn chế rủi ro, tổn thất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.