Góc nhìn

Tách bạch trong hạch toán học phí đại học

Hà Trang 30/08/2023 - 06:05

Thời gian qua, chính sách học phí nói chung và học phí đại học nói riêng được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ dịch vụ giáo dục, đào tạo, đồng thời giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhờ đó, mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện tốt công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người khó khăn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách học phí đại học hiện có nhiều bất cập, dẫn đến hệ lụy là chất lượng đào tạo giảm sút. Học phí thấp, trong khi ngân sách nhà nước lại hạn chế và đang có xu hướng cắt giảm, gây áp lực khiến các trường thiếu kinh phí. Do đó, để bù đắp chi phí, một số trường tiến hành tăng học phí.

Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội theo học các trường chất lượng của sinh viên nghèo có học lực khá, giỏi bị thu hẹp. Ngoài ra, nhiều ngành đào tạo tài năng, đào tạo khoa học cơ bản khó tuyển sinh, có nguy cơ ít được quan tâm đầu tư vì hiệu quả thấp nhìn từ góc độ tài chính…

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, mới đây tại cuộc họp cho ý kiến vào dự thảo Chỉ thị về việc đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

Phó Thủ tướng yêu cầu, việc sửa đổi Nghị định số 81/2021/NĐ-CP phải theo hướng giữ vững vai trò chủ đạo của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện. Dành nguồn lực để đầu tư cho giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, không cào bằng chính sách, cân bằng giữa tự chủ giáo dục, xã hội hóa với bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho đối tượng khó khăn, yếu thế.

Để thực hiện được điều đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo cần đóng góp trí tuệ, cùng với Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể để bảo đảm chính sách học phí mới thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của chính sách học phí mới là bảo đảm mọi trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường; chú trọng thu hút sinh viên có năng lực, đào tạo nhân tài ở bậc đại học. Như Phó Thủ tướng yêu cầu thì, học phí không phải là thước đo để một trường đại học lựa chọn sinh viên mà phải trên cơ sở năng lực, tiềm năng đóng góp cho xã hội của các sinh viên trong tương lai. Các trường cần tách bạch phần ngân sách nhà nước dành cho sinh viên thuộc diện được hưởng các chính sách xã hội và phần thực hiện cung cấp dịch vụ giáo dục theo cơ chế thị trường.

Các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. “Lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Đẩy mạnh tự chủ đại học. Thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao” - theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm công bằng xã hội, phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tách bạch trong hạch toán học phí đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.