Giáo dục

Không tăng học phí - chủ trương hợp lòng dân

Thống Nhất 12/08/2023 - 06:45

Chính phủ đã có thông báo yêu cầu không tăng học phí năm học 2023-2024. Chủ trương này nhận được sự đồng thuận cao của người dân, nhất là những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi giúp giảm gánh nặng cho nhiều hộ gia đình có con học mầm non, phổ thông và cả ở các trường đại học khi ngày khai giảng năm học mới đang đến gần.

hoc-phi.jpg
Thành phố Hà Nội giữ mức học phí năm học 2023-2024 tương đương như năm học trước và bằng mức thấp nhất trong khung. Ảnh: Nguyễn Quang

Thêm điều kiện hỗ trợ học sinh

Ngày 31-7-2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27-8-2021, của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nội dung thông báo yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, trong đó có nội dung không tăng học phí năm học 2023-2024.

Đón nhận tin vui này, các phụ huynh học sinh chia sẻ, chủ trương này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh cuộc sống của nhiều người vẫn đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Thông tin này khiến chúng tôi giảm đi nhiều mối lo về các khoản thu, nhất là khoản thu học phí dịp đầu năm học. Bớt gánh nặng học phí, chúng tôi có thêm điều kiện để mua sắm, hỗ trợ con về tài liệu, dụng cụ và các điều kiện phục vụ học tập khác. Với các gia đình có 2 hoặc 3 con đi học, điều này thực sự có nhiều ý nghĩa khi ngày khai giảng đang đến gần”, bà Mai Thị Kim Tình, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn (quận Long Biên) bày tỏ.

Ghi nhận chung, một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... cũng đã dự kiến áp dụng mức học phí năm học 2023-2024 bằng mức sàn của khung học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Thành phố Hà Nội cũng đã có thông báo về mức học phí năm học 2023-2024 với mức tương đương như năm học trước và bằng mức thấp nhất trong khung. Theo đó, học sinh ở khu vực thành thị đóng 300.000 đồng/học sinh/tháng; ở vùng nông thôn là 200.000 đồng/học sinh/tháng; vùng dân tộc thiểu số và miền núi có mức đóng 50.000 đồng/học sinh/tháng (đối với trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở) và 100.000 đồng/học sinh/tháng (học sinh trung học phổ thông).

Xây dựng chính sách hỗ trợ sinh viên

Không chỉ ở bậc mầm non và phổ thông, với chủ trương từ Chính phủ, mối lo của các gia đình có con chuẩn bị vào đại học, cao đẳng năm học 2023-2024 cũng được giải tỏa. Còn nhớ, vào hồi đầu tháng 7, đã có một số cơ sở đào tạo rục rịch thông báo dự kiến tăng học phí từ năm học mới. Tuy nhiên, ngay sau khi có chỉ đạo mới, việc này đã tạm dừng. Nhiều trường đại học đã và đang xây dựng các chính sách hỗ trợ sinh viên, trong đó có quyết định không tăng học phí và cam kết duy trì mức học phí ổn định trong suốt khóa học.

Nguyễn Thị Mỹ Linh, học sinh Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức A (huyện Mỹ Đức), đã trúng tuyển sớm vào một trường đại học cho biết, em rất lo lắng vì khi vào đại học sẽ phải lo thêm chi phí trang trải tiền sinh hoạt, thuê nhà, đi lại... Nếu trường tăng học phí thì sẽ là gánh nặng lớn với bố mẹ em vì còn phải lo cho 2 em của em đang học phổ thông. Nay với thông tin mới, cả gia đình em như trút được gánh nặng. Em cũng yên tâm tập trung vào việc học và mong rằng, mức học phí sẽ được giữ ổn định trong suốt 4 năm đại học.

Thông tin từ Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, theo lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, năm học 2023-2024 mức học phí của trường được tăng tối đa từ 30 đến 50%, tùy từng ngành học so với năm học 2022-2023. Mặc dù có áp lực từ lộ trình thực hiện tự chủ tài chính, song Hội đồng trường đã cân nhắc và quyết định không tăng học phí, đồng thời có thêm chính sách hỗ trợ sinh viên như cấp học bổng chính sách, trợ cấp cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tăng số chỗ ở trong ký túc xá...

Chia sẻ khó khăn với các trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, các chính sách học phí (theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập) và Nghị định số 81/2021/NĐ-CP chưa thực hiện được, như vậy nguồn lực cho giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Đây là một thách thức không nhỏ với các trường trong việc vừa bảo đảm chất lượng đào tạo, vừa giữ chân được đội ngũ giảng viên, nhất là với các trường tự bảo đảm chi thường xuyên. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ các trường, nhất là với các trường tự bảo đảm chi thường xuyên để bảo đảm chất lượng đào tạo, không gây thiệt thòi cho người học. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tham mưu với Chính phủ chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ và giảm chi ngân sách nhà nước theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không tăng học phí - chủ trương hợp lòng dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.