(HNMO)- Văn phòng Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ đã chính thức công bố tác phẩm nghệ thuật ẩm thực của Nghệ nhân Bàn tay vàng Tôn Nữ Thị Hà và Thạc sĩ ẩm thực và dinh dưỡng Phan Tôn Tịnh Hải: “ Phượng Hoàng Vũ - Bạt phong hồi đầu” được công nhận là Kỷ lục châu Á.
(HNMO)- Văn phòng Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ đã chính thức công bố tác phẩm nghệ thuật ẩm thực của Nghệ nhân Bàn tay vàng Tôn Nữ Thị Hà và Thạc sĩ ẩm thực và dinh dưỡng Phan Tôn Tịnh Hải: “ Phượng Hoàng Vũ - Bạt phong hồi đầu” được công nhận là Kỷ lục châu Á. Hồ sơ do Tổ Chức Kỷ lục Việt Nam Vietkings đệ trình.
Theo truyền thuyết kể lại trong cung đình Huế, nhân lễ Tứ tuần đại khánh vua Khải Định (1925), nghệ nhân Trần Viên (người tỉnh Quảng Bình) thực hiện một chiếc bánh tục gọi “cổ độ” dâng vua. Tiếc thay, công thức bánh nầy đã đi vào quên lãng trong dân gian kể từ năm khi vương triều Huế thoái vị. Trải qua nhiều giai đoạn kinh tế khó khăn, truyền thống này dần mai một. Nghệ nhân “Bàn tay Vàng” Tôn Nữ Thị Hà và con gái là Thạc sĩ Phan Tôn Tịnh Hải, Hiệu trưởng trường đào tạo bếp Mint, nặng lòng với văn hóa ẩm thực, sưu tầm và nghiên cứu với tâm nguyện phục hồi vốn cổ đang trên đà thất truyền.
Tác phẩm Phượng Hoàng Vũ là một công trình duy nhất và lớn nhất từ trước đến nay, đạt mức kỷ lục không những tại Việt Nam mà còn cả thế giới. Không những là một chiếc bánh lớn nhất, nhưng còn giử nguyên công thức và chất lượng truyền thống cung đình, một nguyên tác độc đáo của hai chuyên gia ẩm thực thuộc hai thế hệ hoàng tộc triều Nguyễn. Chiều dài của chiếc bánh lên đến 6,8 mét và rộng 4,2 mét, tức vượt xa so với tác phẩm cung đình hồi thập niên 1920 mô phỏng hình tháp chùa Linh Mụ 9 tầng do các nghệ nhân thực hiện trong tang lễ thân mẫu của Hoàng thái hậu Từ Cung. Chiếc bánh ấy dài 1,5 mét, rộng 1 mét.
Các nguyên liệu được tập hợp theo đúng công thức bánh cổ độ thời Trần Viên và nhân bản theo đúng tỷ lệ hiện nay gồm bột và các nguyên liệu rau củ quả dùng để pha màu và tạo hình. Việc nấu, đun cần 3,5 tấn than hoa và cần 18 người phụ việc. Tổng cộng có 4.862 miếng ghép lại toàn bộ thành hình chiếc bánh hình phượng hoàng với đường nét uyển chuyển như điệu múa. Để gắn từng miếng bánh, tác giả sử dụng đến 5.000 cây tăm tre. Chiếc bánh có thể phục vụ cho một tập thể rất đông người thưởng thức. Điều nầy phản ánh tính cộng đồng cao mà ngày xưa trong cung đình từng có thể dùng thiết đãi quan quân, thần dân.
Tác phẩm đồng thời cũng bày tỏ nguyện vọng riêng của nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà và con gái Phan Tôn Tịnh Hải trong việc gìn giử nét đẹp văn hóa ẩm thực cung đình Huế, Việt Nam. Tác phẩm chim phượng hoàng “Bạt phong hồi đầu” mang ý nghĩa băng ngàn lướt gió bay xa ra thế giới, nhưng luôn quay đầu hướng về truyền thống dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.